EC nêu rõ biện pháp hạn chế trên sẽ chỉ là tạm thời. Theo EC, việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại biến thể mới tại Ấn Độ ở "mức đáng quan ngại" cấp toàn cầu là nguyên nhân dẫn tới động thái trên của khối. Việc hạn chế sẽ không áp dụng đối với những trường hợp có lý do đặc biệt, trong khi các công dân EU và thường trú nhân cùng với gia đình họ cũng sẽ được miễn trừ. Thông báo của EC nêu rõ điều quan trọng là phải giới hạn được các nhóm người có thể tới châu Âu từ Ấn Độ với các lý do cụ thể.
Ngày 12/5, số ca tử vong do COVID-19 tại Ấn Độ đã vượt mốc 250.000 người sau khi ghi nhận thêm 4.205 ca tử vong trong vòng 24 giờ. Tổng số ca tại quốc gia Nam Á này là 23.702.832 ca. Theo WHO, biến thể mới tại Ấn Độ đã xuất hiện tại hàng chục nước trên toàn cầu. Cuộc chiến chống COVID-19 tại Ấn Độ đang trở nên cam go hơn khi biến thể mới giờ đây lây lan ra vùng xa xôi hẻo lánh, nơi có tới 75% dân số nước này sinh sống và cơ sở hạ tầng y tế yếu kém.
* Bang New South Wales của Australia sẽ bắt đầu tiếp nhận sinh viên quốc tế trong vòng vài tháng tới sau khi các nhà chức trách nhất trí kế hoạch cách ly sinh viên nhập cảnh.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, người đứng đầu cơ quan tài chính bang New South Wales Dominic Perrottet cho biết ông hy vọng ngay trong tháng 8, sinh viên quốc tế sẽ có thể đến theo học ở các trường đại học của bang. Ông Perottet thông báo giới chức bang sắp hoàn thành kế hoạch đưa sinh viên quốc tế trở lại, lý tưởng nhất là vào đầu học kỳ hai năm nay.
Theo đề xuất, sinh viên nước ngoài sẽ buộc cách ly trong 14 ngày tại các cơ sở được chỉ định trong khu vực thành phố Sydney. Chi phí cách ly nhiều khả năng sẽ do các trường đại học hỗ trợ thanh toán. Dự kiến, chính quyền bang sẽ công bố chi tiết kế hoạch trên vào tháng 6.
Kế hoạch tiếp nhận sinh viên quốc tế của chính quyền bang New South Wales cho thấy sự khác biệt với quan điểm của chính phủ liên bang là ưu tiên hồi hương công dân bị mắc kẹt ở nước ngoài và thận trọng trong việc mở cửa biên giới quốc gia. Ông Perrottet nhấn mạnh đến sự cần thiết phải hồi sinh lĩnh vực giáo dục quốc tế, một ngành vốn đem lại doanh thu 14 tỷ AUD/năm (khoảng 10 tỷ USD) cho nền kinh tế bang này.
* Ngày 13/5, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho hay sẽ xem xét tiến hành thêm "bong bóng du lịch" và sẽ dẫn đầu các phái đoàn thương mại nhằm kết nối thế giới sau một năm nước này đóng cửa biên giới.
New Zealand đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho phần lớn lao động trong các lĩnh vực thiết yếu và bắt đầu tiêm chủng đại trà bắt đầu vào tháng 7 tới. Quốc gia này đã bắt đầu tiến trình mở cửa lại phần nào bằng cách tiến hành "bong bóng du lịch" với nước láng giềng Australia, quần đảo Cook và nhiều khả năng tiếp theo sẽ là đảo Niue và thêm nhiều quốc gia khác. Thống kê chính thức cho thấy kể từ khi "bong bóng du lịch" với Australia được triển khai, đã có hơn 127.000 lượt người đi lại giữa hai nước.
Bà Ardern thông báo sẽ dẫn đầu một phái đoàn thương mại tới Australia vào đầu tháng 7 tới và có kế hoạch tương tự tới châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Á -Thái Bình Dương trong thời gian tới.