Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị trực tuyến nêu trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết những "nút thắt" trong nguồn cung vaccine sẽ được nhanh chóng được giải quyết, đồng thời cam kết có thể cung cấp đủ vaccine cho mọi người dân Đức vào cuối mùa Hè này.
Thủ tướng Merkel cũng cho biết kế hoạch tiêm chủng quốc gia sẽ quy định thời hạn chuyển giao vaccine trong tương lai. Kế hoạch sẽ do Bộ Y tế liên bang cùng các bang xây dựng và sẽ được công bố vào ngày 10/2 tới, trong đó cũng thiết lập nền tảng hỗ trợ sản xuất vật tư y tế như ống đựng thuốc hay kim tiêm. Thủ tướng Merkel cũng bảo vệ tiến trình tiêm chủng diễn ra chậm ở EU so với ở Mỹ hay Israel khi cho rằng năng lực sản xuất vaccine của châu Âu còn hạn chế, trong khi châu Âu không có cơ chế cấp phép vaccine nhanh trong trường hợp khẩn cấp và quy trình này thường mất thời gian cho tới khi được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép.
Cuộc gặp trên là hội nghị thượng đỉnh về tiêm chủng đầu tiên ở Đức, với sự tham gia của nhiều công ty dược phẩm (như BioNTech, Pfizer, Curevac, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson) cũng như các nhà sản xuất và đại diện một số hiệp hội hóa chất. Ngoài Thủ tướng Merkel, một số bộ trưởng liên bang, thủ hiến các bang và đại diện của Ủy ban châu Âu tham dự hội nghị này.
Ngay trước khi diễn ra hội nghị trên, công ty dược phẩm BioNTech của Đức cho biết có kế hoạch sản xuất 2 tỷ liều vaccine trong năm 2021, cao hơn nhiều so với mức dự kiến trước đó là 1,3 tỷ liều. Công ty này cũng cho biết có thể đáp ứng thời hạn cung ứng vaccine cho châu Âu. Đức kỳ vọng trong quý I/2021 sẽ nhận được khoảng 11 triệu liều vaccine của BioNTech, 1,8 triệu liều của Moderna và 5,6 triệu liều của công ty AstraZeneca. Chính phủ liên bang Đức dự kiến đến cuối năm nay có thể nhận được tổng cộng khoảng 323 triệu liều vaccine các loại.
Trong khi đó, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được áp đặt ở Đức trong gần 2 tháng qua đã cho thấy hiệu quả khi số ca nhiễm mới trong hai tuần gần đây đã giảm nhẹ. Tuy nhiên, một số bang ở Đức nhận định đây chưa phải là thời điểm nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
Phát biểu ngày 1/2, Phó phát ngôn viên Chính phủ Đức, bà Martina Fietz cho rằng số ca nhiễm mới đang giảm là dấu hiệu tốt cho thấy các biện pháp phối hợp và nỗ lực chung nhằm giảm tiếp xúc xã hội đang có hiệu quả như kỳ vọng. Theo bà, tuần trước, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) thông báo chỉ số lây nhiễm mới đã lần đầu tiên giảm xuống dưới 100 trong vòng 3 tháng qua trong khi số bệnh nhân phải điều trị ở các điểm chăm sóc tích cực cũng đang giảm. Trong bối cảnh số ca nhiễm có dấu hiệu giảm, những tranh luận về việc nới lỏng hoặc giữ nguyên và tiếp tục kéo dài phong tỏa lại nổ ra ở Đức.
Thủ hiến bang Bayern, ông Markus Söder ngày 1/2 đã thẳng thừng bác bỏ việc nới lỏng lệnh phong tỏa sau khi các biện pháp hạn chế hiện nay hết hiệu lực vào giữa tháng 2 này. Ông cũng cảnh báo về việc các bang chạy đua nới lỏng dẫn tới việc áp dụng "chắp vá" quy định khác nhau ở các bang và điều đó có nguy cơ dẫn tới sự búng phát dịch trở lại. Trước đó, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cũng cảnh báo việc phong tỏa cũng giống như việc dùng thuốc kháng sinh và khi dừng lại quá sớm thì tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, Thủ hiến bang Niedersachsen, ông Stephan Weil, đã tính tới việc từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ giữa tháng này dựa trên số ca lây nhiễm.
Theo lộ trình của ông Weil, việc học chuyển đổi luân phiên giữa học trực tuyến và ở trường có thể được thực hiện nếu số ca nhiễm mới giảm xuống dưới 100 ca/100.000 dân trong vòng một tuần. Nếu giá trị giảm xuống dưới 50, các trường học có thể mở cửa trở lại, đồng thời khách sạn, nhà hàng và cửa hàng bán lẻ cũng có thể hoạt động trở lại song vẫn giữ các quy định về vệ sinh dịch tễ. Trong trường hợp giá trị lây nhiễm giảm xuống dưới 25 thì có thể mở lại các rạp chiếu phim và cho phép 10 người trong 2 gia đình có thể gặp nhau. Đề xuất này sẽ được ông Weil đưa ra tại cuộc họp giữa chính quyền trung ương và địa phương dự kiến vào ngày 10/2 tới.