Tại Đức, trước viễn cảnh thiếu khí đốt vào mùa Đông tới, nhu cầu về các thiết bị sưởi ấm đang tăng cao, đặc biệt là về bộ tản nhiệt dầu và lò sưởi điện.
Theo hãng tin n-tv của Đức, cửa hàng trực tuyến nổi tiếng OTTO ở Đức đã chứng kiến nhu cầu về máy sưởi điện tăng chóng mặt trong những tuần gần đây. Cửa hàng bán lẻ đồ điện nổi tiếng Saturn cũng thông báo về sự gia tăng sự quan tâm của người tiêu dùng Đức đối với những thiết bị này.
Tất cả sự hoảng loạn này của người Đức đều liên quan đến mùa Đông sắp tới, khi đối mặt với tình trạng khẩn cấp về nguồn cung cấp khí đốt, nơi cả hệ thống sưởi ấm dân cư và ngành công nghiệp của nước này đều có nhu cầu.
Hiện Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck đang hối thúc công chúng chuẩn bị cho "điều tồi tệ nhất", trong khi Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner cảnh báo về "nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng". Ngay cả Thủ tướng Olaf Scholz cũng lo ngại rằng điều này sẽ "tạo tiền đề cho một sự bất ổn xã hội".
Cơ sở cho những lo ngại trên là khả năng ngừng hoạt động của đường ống Nord Stream 1, kênh chính cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu. Theo kế hoạch bảo trì, việc sửa chữa dự kiến kéo dài đến sáng ngày 21/7, nhưng phần lớn phụ thuộc vào việc đưa trở lại kịp thời các tuabin khí sau khi sửa chữa, vốn đã từng được cung cấp cho Nga bởi công ty Siemens của Đức.
Việc sửa chữa tuabin khí được thực hiện tại nhà máy Canada và vấn đề là Canada đã áp đặt các lệnh trừng phạt cấm cung cấp các tuabin này cho Nga. Sau các cuộc đàm phán kéo dài giữa Đức và Canada, Ottawa đã đồng ý trả lại cho Đức chiếc tuabin đầu tiên đã được bảo dưỡng.
Cho đến nay, Chính quyền Đức nhấn mạnh rằng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng khí đốt, ưu tiên cung cấp sẽ được dành cho ngành công nghiệp. Điều này đã gây ra tranh cãi trong Chính phủ liên minh. Ví dụ, Bộ trưởng Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân Đức Stefi Lemke, cho rằng điều này sẽ chuyển chi phí tăng giá sang người tiêu dùng hộ gia đình.
Klaus Ernst, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Năng lượng thuộc Quốc hội Đức, đã đề xuất cách thoát khỏi tình trạng hiện tại với chính phủ nước này. Theo ông Ernst, Chính phủ Đức bây giờ phải từ bỏ các biện pháp trừng phạt năng lượng chống Nga, mời cựu Thủ tướng Angela Merkel tới Moskva để gặp Tổng thống Vladimir Putin nhằm xác định mục tiêu của Moskva về nguồn cung cấp khí đốt trong tương lai cho Đức.
Lập luận chính của ông Ernst là "nếu chúng ta không có khí đốt, thì kinh tế Đức sẽ sụp đổ". Tuy nhiên, ông Ernst coi việc chứng nhận và khởi động đường ống dẫn khí Nord Stream 2 có ý nghĩa quyết định.