Thông báo trên được đưa ra ngày 27/1, đúng thời điểm Nga kỷ niệm 75 năm ngày giải phóng thành phố Leningrad, nay là Saint Petersburg, trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đã có hơn 800.000 người thiệt mạng trong 872 ngày từ năm 1941-1944 quân đội Đức quốc xã bao vây thành phố. Hiện Saint Petersburg là nơi ở của khoảng 86.000 người dân đã may mắn và kiên cường sống sót sau cuộc bao vây.
Trong một tuyên bố chung, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov nêu rõ: "Chúng tôi, ngoại trưởng Đức và Nga, hoan nghênh quyết định của Chính phủ Đức cấp 12 triệu euro (khoảng 13,7 triệu USD) để hiện đại hóa một bệnh viện dành cho các cựu chiến binh và thành lập một trung tâm giao lưu Đức - Nga".
Hai bộ trưởng nhấn mạnh: "Chúng tôi tin tưởng rằng hành động tự nguyện này sẽ cải thiện chất lượng sống của các nạn nhân sống sót sau cuộc bao vây và là biểu tượng hòa giải lịch sử của nhân dân hai nước, đặt nền tảng cho quan hệ của chúng ta trong tương lai".
Tuy nhiên, trong một tuyên bố riêng rẽ, Moskva một mặt đánh giá cao sáng kiến này, nhưng một mặt cũng cho rằng Berlin nên bồi thường cho tất cả các nạn nhân sống sót sau cuộc vây hãm thành phố Leningrad. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, nhắc lại Đức từng đã bồi thường cho các những người gốc Do Thái may mắn sống sót sau các cuộc thảm sát của Đức quốc xã mỗi người 2.500 euro.
Leningrad là biểu tượng chính trị quan trọng của Liên Xô trước đây gắn với cuộc Cách mạng tháng Mười Nga. Thành phố này đã bị quân đội phát xít Đức bao vây trong 872 ngày. Khoảng 3 triệu người dân thành phố đã phải sống trong cảnh cực khổ, mọi nguồn cung thực phẩm, điện, nước đều bị cắt đứt. Hơn 800.000 người đã chết vì đói rét, bệnh tật hoặc đạn pháo. Nhiều nhà sử học còn đưa ra những con số thương vong cao hơn.