Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, nước Đức, từng tiếp nhận khoảng 1,3 triệu người tị nạn kể từ năm 2015, đang nỗ lực để ngăn chặn dòng người di cư đổ về đây. Hiện tại, EU mới chỉ có thỏa thuận trục xuất người tị nạn bất hợp pháp về Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu được chấp thuận, đề xuất của Đức sẽ cho phép EU trục xuất người tị nạn về những địa điểm khác, đặc biệt là khu vực phía Nam Địa Trung Hải. EU đã trao đổi với Ai Cập, Libya và Tunisia về các biện pháp kiềm chế người di cư.
Trong khi EU cho rằng khối này có quyền trục xuất những người di cư vì mục đích kinh tế thì pháp luật hiện hành lại quy định những người đang chờ đợi phán quyết về tình trạng tị nạn chỉ có thể bị trục xuất đến những nước đáp ứng được các điều kiện nhất định, như an toàn trước các mối đe dọa về khủng bố, có điều kiện tiếp nhận nhân đạo, có đủ khả năng chăm sóc y tế, giáo dục và có thị trường lao động.
Đề xuất của Đức được cho là vượt quá các biện pháp bảo vệ cơ bản theo Công ước Geneva về người tị nạn và Hiến chương châu Âu về các quyền cơ bản. Đề xuất này cũng bao gồm việc lập ra danh sách các "vùng an toàn", những nơi có thể tiếp nhận người tị nạn bị trục xuất, đồng thời tăng kinh phí hỗ trợ đối với người tị nạn bị trục xuất đến nước thứ ba.
EU chưa bình luận gì về đề xuất này của Đức, trong khi Ska Keller, một thành viên đảng Xanh thuộc Nghị viện châu Âu, chỉ trích rằng đây là một kế hoạch "vô nhân đạo".