Đức công bố kế hoạch giải quyết vấn đề người tị nạn

Một điều chỉnh đáng chú ý là Đức sẽ bỏ việc trợ cấp tiền hàng tháng cho những người xin tị nạn và thay vào đó là cung cấp các vật dụng thiết yếu.

Với chính sách mở cửa đón người di cư, nhiều người bày tỏ lòng mến mộ và lời cảm ơn tới Thủ tướng Angela Merkel và nước Đức. Ảnh: Telegraph


Các đảng trong chính phủ liên hiệp ở Đức gồm liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Xã hội Dân chủ (SPD) đã họp ngày 6/9 và thống nhất đưa ra một kế hoạch tổng thể xử lý vấn đề người tị nạn.

Trong tuyên bố chung đưa ra ngày 7/9 sau cuộc họp, các đảng trên cho biết về tài chính, trong dự toán ngân sách năm 2016, chính phủ liên bang sẽ bổ sung 6 tỷ euro để giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn hiện nay, bao gồm 3 tỷ euro chi cho việc giải quyết các vấn đề phát sinh trực tiếp liên quan dòng người di cư tị nạn và 3 tỷ euro cấp bổ sung cho ngân sách của các chính quyền địa phương (cấp bang và cấp vùng).

Chính quyền liên bang cũng sẽ hỗ trợ chính quyền các bang xây dựng khoảng 150.000 chỗ ở khẩn cấp mới tại các trung tâm tiếp nhận ban đầu, trong đó đảm bảo đủ các điều kiện có thể đối phó với mùa Đông đang đến gần.

Lực lượng cảnh sát liên bang Đức sẽ được phép tuyển dụng thêm 3000 người trong vòng 3 năm tới, trong khi lực lượng tình nguyện viên liên bang sẽ được tăng thêm 10.000 chỉ tiêu mới. Cục di trú và tị nạn liên bang Đức (BAMF) cũng sẽ được tuyển dụng thêm nhiều biên chế để tăng tốc quá trình xử lý các hồ sơ tị nạn.

Một điều chỉnh đáng chú ý là Đức sẽ bỏ việc trợ cấp tiền hàng tháng cho những người xin tị nạn và thay vào đó là cung cấp các vật dụng thiết yếu. Ngoài ra, quá trình tạm hoãn trục xuất những người xin tị nạn không được chấp thuận sẽ rút ngắn từ 6 tháng xuống còn 3 tháng, tức là những người không được tiếp nhận sẽ phải rời khỏi nước Đức sớm hơn trước đây.

Người di cư chờ đáp chuyến tàu tới Munich, Đức tại khu vực cửa khẩu Hegyeshalom, khu vực biên giới Áo-Hungary ngày 6/9. Ảnh: THX/TTXVN


Trên bình diện châu Âu, Đức ủng hộ việc ban hành một bộ luật tị nạn thống nhất và một danh sách chung của Liên minh châu Âu về các nước xuất phát điểm di cư an toàn. Đức cũng quyết tâm theo đuổi việc áp một tỷ lệ phân bổ người nhập cư công bằng hơn giữa các nước.

Chủ tịch đoàn nghị sỹ SPD tại Quốc hội ông Thomas Oppermann đánh giá việc liên minh cầm quyền thống nhất về bản kế hoạch trên là một động thái tốt để đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay.

Chính phủ Đức đã hoan ngênh tinh thần đoàn kết của người Đức đón nhận người di cư tị nạn. Tính đến nay, nền kinh tế hàng đầu châu Âu này đã đón nhận số người di cư nhiều nhất trong các quốc gia thuộc EU. Chỉ riêng chiều 7/9 đã có 2.500 người di cư vào Đức, sau khi nước này đã đón 20.000 người cuối tuần qua. Đức dự kiến trong năm 2015 tiếp nhận tổng cộng khoảng 800.000 người tị nạn, với tổng chi phí 10 tỷ euro.

Trong khi đó, Hy Lạp ngày 7/9 đã yêu cầu EU viện trợ cho Athens để đối phó với tình trạng "bất ổn" khi mà dòng người di cư vẫn đang đổ về quốc gia cửa ngõ này. Theo đó, Hy Lạp đề nghị EU triển khai "cơ chế bảo vệ dân sự", cơ quan ứng phó khủng hoảng với sự tham gia hỗ trợ nhân đạo của các quốc gia trong khối, nhằm cung cấp nhân sự, hỗ trợ y tế, dược phẩm, quần áo, trang thiết bị giúp Athens ứng phó với tình hình hiện tại.

Trước đó, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans và Cao ủy phụ trách vấn đề nhập cư của EU Dimitris Avramopoulos đã cam kết sẽ hỗ trợ Hy Lạp 33 triệu Euro giải quyết khủng hoảng.

TTXVN/Tin tức
Hàng ngàn chiến binh IS đội lốt người tị nạn thâm nhập châu Âu
Hàng ngàn chiến binh IS đội lốt người tị nạn thâm nhập châu Âu

Báo Anh "Sunday Express" đưa tin hơn 4.000 chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) đội lốt người tị nạn đã thâm nhập các nước châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN