Đức chưa áp đặt hạn chế sử dụng vaccine của Johnson & Johnson

Ngày 23/4, Viện nghiên cứu Paul-Ehrlich (Đức) cho biết nước này quyết định chưa áp đặt hạn chế sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (Mỹ), đồng thời cho biết hội đồng chuyên gia quyết định về vấn đề sử dụng vaccine sẽ nhóm họp vào tuần tới để đánh giá dữ liệu mới.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

Giám đốc Viện Paul-Ehrlich, ông Klaus Cichutek khẳng định vaccine của Johnson & Johnson an toàn và hiệu quả phòng COVID-19. Ủy ban Vaccine STIKO (Đức) đã đánh giá dữ liệu về vaccine của hãng và quyết định chưa hạn chế sử dụng chế phẩm này. STIKO sẽ tiếp tục nhóm họp và đánh giá dữ liệu mới vào tuần tới. 

Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) đã điều tra 8 trường hợp là người Mỹ dưới 60 tuổi, chủ yếu là phụ nữ, gặp rối loạn đông máu trong 3 tuần sau khi tiêm một liều vaccine duy nhất ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson. Những trường hợp được ghi nhận sau khi hơn 7 triệu liều vaccine được tiêm tại Mỹ tính đến ngày 13/4.

Trong tuần này, EMA bày tỏ ủng hộ việc sử dụng vaccine của công ty dược phẩm Mỹ, song để ngỏ khả năng cho các nước thành viên Liên minh châu Âu quyết định về việc sử dụng vaccine này.

* Cùng ngày, Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) Thái Lan công bố lịch tiêm 61 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong nửa cuối năm nay. Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, DDC cho biết 6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ được tiêm trong tháng 6, sau đó là 10 triệu liều/tháng từ tháng 7 - 11, và 5 triệu liều trong tháng 12.

Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ ngày 28/2, với ưu tiên dành cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao là các chuyên gia y tế và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Chiến dịch tiêm chủng của nước này ban đầu dựa vào việc nhập khẩu vaccine do công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) phát triển, sau đó sẽ sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca (Anh) do công ty Siam Bioscience ký hợp đồng sản xuất trong nước để tiêm chủng cho khoảng 35 triệu người hoặc 50% dân số. DDC cho biết thêm Chính phủ Thái Lan đang làm việc với các đối tác tư nhân để nhập khẩu thêm 35 triệu liều vacccine ngừa COVID-19.

* Trong khi đó, hãng thông tấn chính thức Bahrain cho biết nước này và Israel ngày 22/4 đã ký kết thỏa thuận công nhận việc chủng ngừa COVID-19 và “hộ chiếu xanh” của nhau nhằm xúc tiến hoạt động du lịch sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ hồi năm ngoái. 

Hệ thống “hộ chiếu xanh” cho phép những người đã tiêm vaccine hoặc đã bình phục sau khi mắc COVID-19 ra vào một số khu vực nhất định. Theo thỏa thuận trên, những người đã được chủng ngừa ở một nước bằng vaccine được công nhận ở nước kia sẽ được miễn cách ly và có thể ra vào những nơi đòi hỏi phải có “hộ chiếu xanh”. 

Hãng tin trên cũng cho biết vào giai đoạn sau, hai nước sẽ thực hiện thỏa thuận tương tự đối với những cá nhân được tiêm loại vaccine khác mà chưa được một trong hai nước công nhận, song không nêu rõ thời điểm bắt đầu triển khai. Bộ trưởng Ngoại giao Israel Gabi Ashkenazi nhấn mạnh thỏa thuận trên sẽ giúp thúc đẩy du lịch và kinh tế của hai nước, cũng như góp phần vào cuộc chiến chống COVID-19.

Thống kê cho thấy Bahrain và Israel đều có tỷ lệ tiêm chủng thuộc hàng cao nhất thế giới. Theo Bộ Y tế Israel, hơn 5 triệu trong tổng số 9 triệu dân, tức hơn 50% dân số nước này, đã được tiêm đủ 2 liều vaccine của Pfizer/BioNTech. Trong khi đó, số liệu chính thức của Bahrain cho thấy hơn 500.000 người tại Bahrain, tức 50% dân số quốc gia vùng Vịnh này, được tiêm cả hai liều vaccine thuộc nhiều loại khác nhau.

Ngọc Quang - Nguyễn Hằng (TTXVN)
Nhật Bản, Ấn Độ thiệt hại lớn về kinh tế do dịch COVID-19
Nhật Bản, Ấn Độ thiệt hại lớn về kinh tế do dịch COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các cơ quan nghiên cứu kinh tế của Nhật Bản đã đưa ra các báo cáo nhận định rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản sẽ bị thiệt hại lớn do ảnh hưởng của lệnh tình trạng khẩn cấp chống dịch COVID-19 ban bố tại một số địa phương sắp tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN