Dư luận về việc Israel, Marocco bình thường hóa quan hệ

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/12 thông báo Israel và Marocco nhất trí bình thường hóa quan hệ đã tạo ra những phản ứng bước đầu trong khu vực.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu coi đây là dấu mốc “hòa bình lịch sử”, đồng thời cam kết sẽ lập đường bay trực tiếp giữa hai nước. Cũng theo ông Netanyahu, việc Israel chỉ trong vài tháng – nhờ trung gian của Mỹ - có thể bình thường hóa quan hệ với 4 nước Arab cho thấy khu vực đang có nền “hòa bình nồng ấm”. Ông cảm ơn Tổng thống Trump, Quốc vương Marocco Mohammed VI và cam kết sẽ thúc đẩy hòa bình lịch sử trong khu vực.

Ngay sau tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu, hãng hàng không El Al Israel Airlines Ltd. cho biết họ đang nghiên cứu khả năng thiết lập các đường bay thẳng giữa Israel và Marocco.

Cùng ngày, Quốc vương Morocco đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, trong đó ông khẳng định Morocco ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine và rằng đàm phán là cách duy nhất để đạt được giải pháp cuối cùng, lâu dài và toàn diện cho cuộc xung đột này.

Hiện chưa có thông tin về hồi đáp của nhà lãnh đạo Palestine trong cuộc điện đàm này, nhưng trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez Laya, Tổng thống Abbas khẳng định Palestine sẵn sàng ngồi lại đàm phán với Israel trên cơ sở luật pháp quốc tế và đặt dưới sự bảo trợ của nhóm Bộ tứ trung gian hòa giải quốc tế. Lâu nay, tiến trình đàm phán này bị đình trệ do vướng mắc các điểm chính, trong đó có việc Palestine yêu cầu khôi phục biên giới về trước cuộc Chiến tranh 6 ngày năm 1967 nhưng Israel kiên quyết bác bỏ.

Trong khi đó ở khu vực, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi ca ngợi Marocco và Israel đã nhất trí bình thường hóa quan hệ. Theo ông, đây là "bước đi quan trọng" để đạt được "hợp tác và ổn định tốt hơn trong khu vực".

Từ tháng 8 đến nay, Morocco là quốc gia Arab thứ 4 ở Trung Đông đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel. Trước đó đã có 3 nước khác gồm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Sudan. Đây là bước đi trái với tinh thần của Sáng kiến Hòa bình Arab ký năm 2002, trong đó quy định các nước Arab chỉ bình thường hóa quan hệ với Israel sau khi nước này chấm dứt chiếm đóng các vùng đất của Arab và Palestine, cũng như phải đảm bảo hòa bình cho Palestine. Chính quyền Palestine và lực lượng Hồi giáo Hamas ở Bờ Tây lo ngại làn sóng bình thường hóa quan hệ với Israel hiện nay sẽ làm đảo lộn tiến trình hòa bình Trung Đông và tước đi quyền được sống trong hòa bình của người dân Palestine.

* Liên quan đến việc Mỹ ngày 10/12 công nhận chủ quyền của Morocco đối với khu vực Tây Sahara, phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn lời người phát ngôn của Liên hợp quốc cùng ngày cho biết Tổng thư ký Antonio Guterres không thay đổi quan điểm về khu vực tranh chấp nói trên và tin tưởng rằng chỉ có thể có giải pháp cho khu vực dựa trên các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Lâu nay, cả Marocco và Mặt trận Polisario đều tuyên bố chủ quyền đối với khu vực Tây Sahara, vốn là thuộc địa cũ của Tây Ban Nha ở Bắc Phi với dân số hơn nửa triệu người và diện tích 226.000 km2. Gần đây, Mặt trận Polisario – vốn chiếm 1/3 dân số và kiểm soát 20% diện tích - đã khởi động lại tranh chấp, buộc LHQ đã phải triển khai Phái bộ gìn giữ hòa bình MINURSO để giám sát ngừng bắn và tổ chức trưng cầu ý dân về vùng lãnh thổ này.

Vũ Hà – Nguyễn Vân (TTXVN)
Nước cờ cuối trong chính sách Trung Đông của Tổng thống Donald Trump
Nước cờ cuối trong chính sách Trung Đông của Tổng thống Donald Trump

Trong bối cảnh chính trường Mỹ đang có những thay đổi với việc cơ quan chức năng đã khởi động quá trình chuyển giao quyền lực từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho đội ngũ của ông Joe Biden, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã thực hiện chuyến công du tới một loạt nước Trung Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN