Bình thường hóa quan hệ Israel-Arab: Bản đồ mới của Trung Đông

Thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel với UAE và Bahrain là một phần trong quá trình hợp tác an ninh đã bắt đầu từ cách đây nhiều năm.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, phải) chủ trì lễ ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ lịch sử giữa Israel - Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ National Interest, điều đó cho thấy tầm quan trọng của Trung Đông và có nghĩa là tiến trình chấm dứt kỷ nguyên đối đầu giữa Israel và các nước Arab sẽ tiếp diễn, với cao trào của tiến trình sẽ xảy ra ở Iran. Đây là con đường mà Trung Đông có thể đang đi.

Sudan, Saudi Arabia, Oman và Kuwait là một số quốc gia Arab đang cân nhắc ký kết thỏa thuận hòa bình với Israel. Một hoặc hai quốc gia có thể có thể trì hoãn, còn Saudi Arabia, dù ủng hộ tiến trình bình thường hóa quan hệ khu vực với Israel, có thể từ chối công nhận chính thức. Tuy nhiên, điều đó không thành vấn đề. Cho dù không có quan hệ chính thức, tất cả những quốc gia này đều có tinh thần chấm dứt thù địch với nhà nước Do Thái.

Liên minh Israel – UAE sẽ cho phép hải quân hai nước tiếp cận gần như không bị cản trở cả ba mặt của Bán đảo Arab: biển Đỏ, biển Arab và Vịnh Ba Tư. Khó khăn duy nhất có thể xuất phát từ Qatar và Yemen. 

Hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Djibouti và có thể là ở cảng Sudan sẽ vẫn là nhân tố trung lập đối với vấn đề an ninh giữa Israel và các nước Arab. Dự báo quan hệ này sẽ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực hải quân  mà sẽ còn liên quan tới an ninh công nghệ cao và mọi mặt liên quan tới chiến tranh.

Trung Đông có tiến trình biến đổi phức tạp. Trong nhiều thập kỷ từ những năm 1960 tới nay, chính quyền ở Syria và Iraq đã tổ chức mặt trận chống lại Israel. Tuy nhiên, những quốc gia này cùng với Libya đang đổ vỡ vì xung đột, nội chiến. Ngay cả Ai Cập cũng đang gặp khó khăn kinh tế và chính trị.

Palestine, Qatar và các nhân tố theo dòng Shiite ở Liban là những nhân tố còn lại trên mặt trận phản đối các nước Arab và giờ phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các nước ngoài thế giới Arab là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. 

Trong đó, Iran đang gặp khó khăn nhiều bề vì bị Mỹ trừng phạt. Ngoài ra, bạo loạn chống chính phủ liên tục diễn ra cuối năm 2019. Iran cũng gặp khó khăn trong xử lý đại dịch COVID-19 và ngày càng chịu nhiều áp lực chính trị.

Suốt từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran tới nay, nước này không trải qua nhiều biến động. Cũng không có vấn đề gì xảy ra giữa Israel và các nước Arab từ năm 1994 khi Israel và Jordan thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau đó, chỉ trong vài vài tuần, đã có hai thỏa thuận hòa bình ở Trung Đông. 

Hai thỏa thuận này khiến người ta tự hỏi bao giờ điều tương tự sẽ xảy ra ở Iran. Tất nhiên, không phải là lúc này nhưng theo nhà báo Robert D. Kaplan, thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới tại Washington, điều đó có thể xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo ở Mỹ. Ông cho rằng là quốc gia học vấn cao với 84 triệu dân, trong những năm tới, Iran có thể có quyền lực thay đổi thực sự khu vực.

Chú thích ảnh
Lễ ký diễn ra giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (thứ 2, trái) với Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid al-Zayani (trái) và Ngoại trường UAE Sheikh Abdullah Bin Zayed Al Nahyan (phải) tại bãi cỏ phía Nam Nhà Trắng. Ảnh: AFP/TTXVN

Bất chấp nhiều sự kiện kịch tính trong tuần qua, một số người ở Mỹ vẫn cho rằng khu vực Trung Đông không quan trọng. Một cố vấn cấp cao của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden cho rằng Trung Đông chỉ xếp thứ tư về mức độ quan trọng, sau châu Âu, Ấn Độ-Thái Bình Dương và Mỹ Latinh.

Nhiều năm qua, Mỹ đã chấm dứt dần các cuộc chiến bất tận ở Trung Đông. Số lượng binh sĩ Mỹ ở đây tiếp tục giảm từ 132.000 xuống 3.000 ở Iraq, từ 100.000 xuống 4.500 ở Afghanistan và dưới 1.000 ở Syria.

Thế giới đang ở kỷ nguyên mới: hợp tác giữa Israel và các nước Arab, quá trình mở rộng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ, khủng hoảng ở Iran… Tất cả đều đang chịu ảnh hưởng kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc – quốc gia coi Trung Đông là mảnh ghép quan trọng, cần thiết với sáng kiến Vành đai và Con đường ở châu Á và châu Âu. Trung Quốc đã xây dựng cảng và căn cứ quân sự, đầu tư hàng tỷ đô la khắp khu vực.

Nhà báo Kaplan cho rằng đây không phải lúc Mỹ rút khỏi Trung Đông hoặc coi đây là khu vực không liên quan tới những nơi khác. Trong thực tế, Trung Đông là phần hữu cơ của lục địa Á-Âu. Do đó, trong nhiệm kỳ tổng thống tới, đã tới lúc Mỹ hỗ trợ mở rộng và củng cố hòa bình giữa Israel và thế giới Arab để kiềm chế những đối thủ của Mỹ trong khu vực.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Sắp có thêm quốc gia Arab bình thường hóa quan hệ với Israel
Sắp có thêm quốc gia Arab bình thường hóa quan hệ với Israel

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Kelly Craft tiết lộ một quốc gia Arab khác dự kiến bình thường hóa quan hệ với Israel trong tương lai gần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN