Nhiều nghị sĩ Mỹ, trong đó có các nghị sĩ đảng Cộng hòa, quan chức Bộ Quốc phòng cũng như các đồng minh quốc tế của Washington đã lên tiếng phản đối quyết định này. Hầu hết các ý kiến chỉ trích cho rằng việc rút quân có thể tác động đến tình hình thực địa, tạo ra những phân nhánh địa chính trị bất thường, củng cố vai trò của Nga và Iran - vốn ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad - trong khu vực.
Bên cạnh đó, quyết định này còn khiến số phận của liên minh giữa các tay súng người Kurd và Arab, trong đó lực lượng người Kurd chiếm đa số, còn gọi là Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF), được Mỹ ủng hộ, tham gia cuộc chiến chống IS, rơi vào tình cảnh không chắc chắn. Theo đó, liên minh này có nguy cơ bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công bởi lâu nay Ankara vẫn coi liên minh này là "khủng bố" và từng thông báo kế hoạch phát động chiến dịch nhằm vào các tay súng người Kurd, cụ thể là Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham - một đồng minh của Tổng thống Trump - coi đây là quyết định "thiếu thận trọng", đẩy người Kurd đến "rủi ro", trong khi Thượng nghị sỹ Marco Rubio cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi Syria là một "sai lầm lớn" và sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng, vượt ra ngoài cuộc chiến chống IS. Về phần mình, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jack Reed cho rằng quyết định là "sự phản bội" đối với người Kurd, là một bằng chứng nữa cho thấy "Tổng thống Trump không có khả năng dẫn dắt vũ đài thế giới".
Bản thân các chỉ huy Mỹ tại thực địa cũng bày tỏ sự ngạc nhiên và quan ngại về quyết định trên của chính quyền trung ương. Trước đó hai tuần, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, Tướng Joseph Dunford, cho rằng Mỹ còn phải mất một thời gian dài nữa mới có thể huấn luyện các lực lượng địa phương tại Syria ngăn chặn IS trỗi dậy trở lại và ổn định đất nước. Ông ước tính để có thể duy trì an ninh trong dài hạn, cần phải có sự tham gia của 35.000 - 40.000 quân ở Đông Bắc Syria, song hiện mới chỉ có khoảng 20% trong số này được huấn luyện, đào tạo.
Trong khi đó, Anh - nước đồng minh của Mỹ tại châu Âu - cũng kịch liệt phản đối tuyên bố của Tổng thống Trump rằng IS đã bị đánh bại tại Syria. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Anh cho rằng IS hiện vẫn là một mối đe dọa dù lực lượng này có thể không chiếm giữ bất kỳ phần lãnh thổ nào. Bộ trên nhấn mạnh: "Như Mỹ đã nêu rõ, những diễn biến này tại Syria không phải là dấu chấm hết đối với liên minh quân sự quốc tế hay chiến dịch của nước này" và London sẽ tiếp tục hợp tác với các thành viên của liên quân.
Cùng chung nhận định trên, bà Jennifer Cafarella, một chuyên gia về Syria thuộc Viện Nghiên cứu chiến tranh, cho rằng mặc dù quyết định của Mỹ về việc rút quân khỏi Syria không phải đặt dấu chấm hết cho chiến dịch của liên minh quân sự, do Mỹ đứng đầu, chống lại IS, song nó có thể làm suy yếu khả năng lãnh đạo của Mỹ trong liên minh, để lại "khoảng trống quyền lực" có thể dẫn tới một giai đoạn mới trong cuộc xung đột của cộng đồng quốc tế tại Syria.
Tuy nhiên, với Ankara - vốn lâu nay vẫn coi người Kurd là mối đe dọa an ninh đối với nước này, quyết định trên là "câu trả lời tích cực" từ phía chính quyền của Tổng thống Trump. Chưa kể chỉ vài giờ trước khi công khai quyết định rút quân khỏi Syria, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đã thông qua thương vụ bán hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, trị giá 3,5 tỷ USD, cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Dmitry Novikov cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi Syria sẽ giúp ổn định tình hình trong khu vực. Trong khi đó, đại diện Ủy ban Quốc phòng và an ninh thuộc Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện) Nga, ông Frantz Klintsevich cho rằng Washington đã không đạt được mục tiêu của riêng mình ở Syria, trong đó có việc lật đổ chính quyền hợp pháp đương nhiệm.
Theo ông, chưa thể xác định thời gian Mỹ tiến hành việc rút quân. Trong trường hợp Mỹ thực sự quyết định rút toàn bộ binh lính khỏi lãnh thổ Syria, điều này không có nghĩa Washington đã hoàn thành sứ mệnh, có chăng, nước này đã thất bại trong việc thay thế chính quyền Syria thông qua việc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng sự hiện diện của các lực lượng Mỹ tại Syria là "rào cản nguy hiểm" cho mục tiêu tìm kiếm một giải pháp hòa bình, đồng thời cáo buộc việc Washington duy trì lực lượng tại đây là "hành động bất hợp pháp". Tháng 11 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Mỹ đang viện cớ tiêu diệt các phần tử khủng bố IS để tiếp tục hiện diện quân sự ở Syria, cho rằng Washington "coi IS gần như là một đồng minh" trong cuộc chiến nhằm vào Chính phủ Syria.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngay sau khi Mỹ công bố quyết định rút quân khỏi Syria, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Washington "không còn bất kỳ ảnh hưởng nào" đối với mối quan hệ giữa các nước trong khu vực, cũng như sẽ không thể ra lệnh cho bất cứ quốc gia nào nữa.
Phát biểu từ Tel Aviv sau cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh: "Tất nhiên, đây là quyết định của Mỹ" và cho dù có chuyện gì đi nữa, Israel sẽ đảm bảo an ninh cũng như tự bảo vệ mình. Theo ông, Tel Aviv sẽ nghiên cứu thời gian, cách thức cũng như ảnh hưởng từ những thay đổi chính sách của Mỹ đối với Israel.
Trước đó, ngày 19/12, chính quyền của Tổng thống Trump thông báo bắt đầu rút binh lính Mỹ từ Syria về nước sau khi giành chiến thắng trong cuộc chiến chống IS, song không công bố thời gian biểu cụ thể. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Dana White khẳng định liên minh quân sự quốc tế đã giải phóng IS ra khỏi các vùng lực lượng này chiếm giữ, song chiến dịch chống IS vẫn chưa kết thúc. Truyền thông Mỹ đưa tin toàn bộ nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ đang rời khỏi Syria trong 24 giờ, trong khi thời gian rút quân khỏi Syria được cho là sẽ kéo dài từ 60-100 ngày. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo sau đó, quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Trump đã không trả lời trực tiếp câu hỏi về việc Washington dự định sẽ tiến hành rút quân như thế nào cũng như liệu có thời hạn chót cho việc này hay không.