Động thái bất ngờ của Tổng thống Trump đối với Iran sau một tuần khẩu chiến

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/7 cho biết ông sẵn sàng gặp người đồng cấp Iran mà không cần một điều kiện gì để thảo luận tìm cách cải thiện mối quan hệ hai nước sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Iran Rouhani. Ảnh: abc.net.au

Theo hãng tin Reuters, khi được hỏi tại buổi họp báo Nhà Trắng liệu rằng ông có sẵn sàng gặp người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Trump khẳng định: “Tôi sẽ gặp bất kỳ ai. Tôi tin tưởng vào những cuộc gặp, đặc biệt trong bối cảnh bên bờ vực chiến tranh. Nếu họ muốn gặp, chúng tôi sẽ gặp”.

Tổng thống Trump cho biết ông "không ra điều kiện" để tổ chức cuộc gặp mặt với người đồng cấp Iran. Ông nói: "Nếu chúng ta có thể làm việc gì đó có ý nghĩa, không phải là một mảnh giấy vứt đi như các thỏa thuận khác, tôi chắc chắn sẽ sẵn sàng gặp".

Tuy nhiên, trước đó vài giờ, phía Iran cho biết các cuộc đối thoại với Mỹ không thể xảy ra dưới chính sách thù địch của chính quyền Tổng thống Trump, đóng lại cánh cửa cơ hội mở ra đối thoại. "Với nước Mỹ và các chính sách hiện nay, chắc chắn sẽ không có khả năng đối thoại. Mỹ cho thấy mình hoàn toàn không hề đáng tin cậy", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi phát biểu trong một cuộc họp báo hàng tuần ngày 30/7.

Phát ngôn của Tổng thống Trump đánh dấu một bước chuyển ngoặt so với thái độ cảnh báo trong tuần trước, khi ông nhắm tới người đồng cấp Rouhani bằng một dòng tin tweet: “Đừng bao giờ đe dọa Mỹ một lần nữa, nếu không thì các ông sẽ phải gánh chịu hậu quả chưa từng thấy trong lịch sử”.

Trong cuộc khẩu chiến qua mạng xã hội Twitter, Tổng thống Iran cũng ám chỉ tới lãnh đạo Nhà Trắng, cho rằng chính sách thù địch của Mỹ có thể dẫn tới “mẹ của các cuộc chiến tranh”.

Một cố vấn của Tổng thống Iran Rouhani cho rằng nếu như Mỹ muốn thực sự mở đường đối thoại với Iran, quốc gia này nên quay lại thỏa thuận hạt nhân mà Iran và nhóm P5+1 đạt được hồi năm 2015.

“Tôn trọng các quyền của Iran, giảm thiểu sự thù địch và quay trở lại thỏa thuận hạt nhân là những bước có thể được thực hiện để mở đường đối thoại gập ghềnh giữa Iran và Mỹ", Hamid Aboutalebi - cố vấn viên của ông Rouhani đăng trên Twitter.

Hồi tháng 5, Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận năm 2015. Kể từ đó, Iran và các bên ký kết khác đã làm mọi cách cứu vãn thỏa thuận, ngay cả khi Mỹ đã bắt đầu áp dụng một số biện pháp trừng phạt đối với Iran.

Giới phân tích cho rằng phương thức ngoại giao mà Tổng thống Trump đang làm với Iran tương tự như những gì ông làm với Triều Tiên. So sánh những lời lẽ gay gắt về Triều Tiên trước khi đạt được thỏa thuận về một Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, phát ngôn mạnh bạo cảnh báo Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể là một nỗ lực làm dịu Tehran.

Tổng thống Trump và ban cố vấn của ông tin rằng phản ứng gay gắt đối với Triều Tiên cùng với các lệnh trừng phạt cứng rắn đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn đến sự sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

“Triều Tiên không hề phóng bất kỳ quả tên lửa nào trong 9 tháng nay. Cũng như không có các cuộc thử hạt nhân. Nhật Bản vui mừng, toàn bộ châu Á vui mừng”, Tổng thống Trump đăng dòng tweet ngày 23/7.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Tổng thống Iran chỉ trích Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân là 'bất hợp pháp'
Tổng thống Iran chỉ trích Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân là 'bất hợp pháp'

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 31/7 tuyên bố việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân là "bất hợp pháp", và việc duy trì thỏa thuận này hiện phụ thuộc vào Liên minh châu Âu (EU). 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN