Tại Nga, tình trạng đồng ruble giảm đã kéo theo một số hệ lụy. Giá hàng nhập khẩu tăng, trong khi các kỳ nghỉ nước ngoài lại đắt đỏ hơn.
Irina Turina, người phát ngôn cho Liên đoàn Du lịch Nga, cho biết các công ty du lịch báo cáo lượng hành khách đăng ký đi nghỉ đã giảm 10-15% vào tuần trước, đúng thời điểm đồng ruble sụt giá.
“Chứng kiến việc đó rất đau lòng và không mấy dễ chịu, nhưng nó sẽ không làm thay đổi quan điểm chính trị của tôi, ông Nikolayev – 56 tuổi, một nhà thiết kế đồ họa – bày tỏ, khi thấy giá trị đồng ruble sụt đến 10% so với đồng đô la Mỹ sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Ông Nikolayev tin tưởng ông đã bầu ra đúng người có thể vực dậy nước Nga: “Thực tế, lệnh trừng phạt của Mỹ càng làm niềm tin của tôi tăng lên. Phương Tây đang tìm cách chia rẽ nước Nga”.
Theo nhà xã hội học Stepan Goncharov thuộc Trung tâm Nghiên cứu Levada, quan điểm của ông Nikolayev về Tổng thống Putin trong bối cảnh đồng ruble khủng hoảng là quan điểm phổ biến trong cộng đồng người Nga.
Nhiều người Nga cho rằng lệnh trừng phạt mới nhất của Washington nhằm vào Moskva không liên quan gì đến các động thái của Nga tại Ukraine hay Syria, mà chỉ là do Mỹ muốn hạ bệ đối thủ kinh tế.
Bên cạnh đó, lần sụt giá này của đồng ruble vẫn chưa được coi là nghiêm trọng so với những lần sụt giá trước. Một số người cho rằng họ đã quen với việc đồng ruble mất giá nên không có gì phải ngạc nhiên.
Lần sụt giá mới nhất của đồng ruble được đánh giá là ít nghiêm trọng hơn khủng hoảng tiền tệ năm 2014. Kể từ đó, các công ty Nga đã giảm khoản vay nước ngoài và nhập khẩu ít hàng hóa cần phải trả bằng USD hơn.
Trong một vài tháng trở lại đây, mức tín nhiệm của Tổng thống Putin có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Theo trung tâm Levada, mặc dù việc đồng ruble suy yếu có thể không ảnh hưởng trực tiếp tới mức tín nhiệm của Tổng thống Putin những có thể đổ thêm dầu vào lửa một bộ phận người Nga bất mãn với chính sách cải cách tuổi nghỉ hưu tại quốc gia.