Mỹ "bận rộn" với trừng phạt
Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Mỹ đã áp đặt trừng phạt với ba quốc gia gồm Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, và mới đây nhất là trừng phạt Triều Tiên.
Tuần trước, Mỹ đã áp đặt trở lại vòng trừng phạt kinh tế đầu tiên với Iran. Đây là động thái đã được dư luận lường trước sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà nhóm P5+1 ký với Tehran (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA). Thêm nhiều biện pháp trừng phạt Iran sẽ được Mỹ áp đặt vào tháng 11 tới.
Trong một dòng tweet đăng ngày 7/8, Tổng thống Trump nói động thái áp đặt lại trừng phạt Iran nghĩa là “bất kỳ ai làm ăn với Iran sẽ không làm ăn với Mỹ”. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton phát biểu với kênh Fox News: “Chính sách này không phải là để thay đổi chế độ, mà chúng tôi muốn gây áp lực tối đa lên Chính phủ Iran”.
Ngày 11/8, Tổng thống Trump cho biết ông đang "bật đèn xanh" để tăng gấp đôi thuế đối với thép và nhôm Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cảnh báo quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ “lúc này không tốt”. Động thái trừng phạt bắt nguồn từ việc Nhà Trắng tức giận với Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này bắt giam một mục sư người Mỹ tên là Andrew Brunson. Ông này bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc hỗ trợ âm mưu đảo chính năm 2016 nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Trước đó, hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Mỹ trừng phạt cũng liên quan tới vụ giam giữ linh mục. Đó là Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nội vụ.
Một quốc gia khác cũng vừa bị Mỹ trừng phạt, đó là Nga. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8/8 đã thông báo chính quyền Mỹ sẽ áp đặt thêm biện pháp trừng phạt Nga theo luật chiến tranh sinh học và hóa học sau vụ đầu độc hai cha con cựu điệp viên Sergei Skripal. Nga bị cáo buộc đứng đằng sau vụ đầu độc này. Dự kiến lệnh trừng phạt sẽ có hiệu lực từ ngày 22/8.
Vòng trừng phạt đầu tiên nhằm vào các mặt hàng Mỹ xuất tới Nga mà có thể được dùng cho mục đích quân sự. Đây là những mặt hàng nhạy cảm và bình thường sẽ được rà soát từng trường hợp trước khi xuất khẩu.
Triều Tiên, nước vốn đã bị Mỹ trừng phạt, ngày 9/8 đã phải tức giận khi Mỹ kêu gọi thực thi các biện pháp trừng phạt quốc tế bất chấp các động thái thiện chí của Bình Nhưỡng thời gian qua. Ngày 3/8, phái đoàn Mỹ tại Liên hợp quốc còn đề xuất Hội đồng Bảo an áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Triều Tiên. Và mới nhất, ngày 15/8, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt trừng phạt một cá nhân và 3 thực thể của Nga và Trung Quốc với cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận Triều Tiên.
Ngoài 4 nước trên, những nước bị Mỹ cho là đe dọa lợi ích an ninh quốc gia, Mỹ cũng trừng phạt những loại hành vi gây bất ổn khác. Ví dụ như những kẻ buôn lậu thuốc phiện Colombia, những tay buôn lậu dầu Libya và những cá nhân bị cáo buộc lạm dụng tình dục và tuyển mộ lính trẻ em ở Congo. Rồi một loạt đòn trừng phạt nhằm vào các nhóm khủng bố ở Pakistan, Somalia và Philippines, chưa kể đến phong trào Hezbollah ở Lebanon.
Tác dụng của trừng phạt
Mỹ sử dụng ngày càng thường xuyên các biện pháp trừng phạt sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Theo phân tích của công ty luật Gibsson Dunn, chính quyền Mỹ đã cho vào danh sách đen gần 1.000 người và thực thể trong năm 2017, tăng 30% so với năm trước đó.
Trừng phạt được coi là công cụ hữu hiệu để ngăn khủng bố và bên tài trợ tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế cũng như trấn áp tình trạng lạm dụng nhân quyền và các lãnh đạo tham nhũng.
Chính quyền Mỹ luôn cho rằng trừng phạt đã khiến cho Iran và Triều Tiên đồng ý đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân. Với họ, trừng phạt được sử dụng làm công cụ khi ngoại giao không có tác dụng và nhờ đó đã đối phó được với ngày càng nhiều mối đe dọa.
Ông Judith Alison Lee, đồng chủ tịch nhóm Thông lệ Thương mại Quốc tế của công ty Gibsson Dunn, nhận định: “Sử dụng biện pháp trừng phạt sẽ khiến một chính quyền bị cám dỗ vì biện pháp này không cần thông báo trước, không cần rà soát pháp lý và có hiệu lực ngay lập tức”. Ông Lee cho rằng Tổng thống Trump đã “cực kỳ bị cám dỗ”.
Theo Washington Post, lệnh trừng phạt của Mỹ có uy lực mạnh nhất thế giới, phần lớn là vì có quá nhiều giao dịch quốc tế, từ ngân hàng tới dầu mỏ, đều được thực hiện bằng đồng USD. Một khi chiếc búa trừng phạt vung lên, người ta sẽ buộc phải điều chỉnh hành vi khi tài sản bị phong tỏa.
Mặt trái của trừng phạt
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khi được sử dụng nhiều, hiệu quả trừng phạt sẽ giảm. Năm 2016, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cảnh báo lạm dụng trừng phạt sẽ đẩy các doanh nghiệp ra khỏi hệ thống tài chính Mỹ và làm suy yếu đồng USD. Các nước sẽ tìm đối tác khác ngoài Mỹ để làm ăn và do đó giảm tác dụng trừng phạt. Một số người cho rằng Mỹ đã rơi vào tình trạng lạm dụng xét danh sách hơn 1.000 cá nhân, thực thể bị trừng phạt nói trên. Danh sách này hiện chỉ có dài thêm.
Theo bình luận của tờ The Atlantic, Mỹ coi trừng phạt là biện pháp buộc đối thủ phải ngồi vào đàm phán. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khi Mỹ đã đạt được mục tiêu thì nên chấm dứt trừng phạt. Bất kỳ vấn đề chính sách đối ngoại nào cũng áp trừng phạt sẽ chỉ khiến các biện pháp trừng phạt trở nên cứng nhắc và khó dỡ bỏ.
Mỹ thường tuyên bố rõ ràng các điều kiện giảm trừng phạt, nhưng dường như theo thời gian, khi có thêm các sự kiện khiến Mỹ không hài lòng xảy ra, giới chức Mỹ lại đưa ra thêm điều kiện nữa, khiến cho trừng phạt chồng trừng phạt và kéo dài mãi.
Khi liên tục đưa ra yêu sách, Mỹ có thể gây ấn tượng rằng không có thiện chí đàm phán và chỉ chăm chăm tìm cách trừng phạt mục tiêu.
Một khi khó dỡ bỏ trừng phạt thì trừng phạt sẽ trở thành chính sách cực đoan, khó thay đổi. Nếu các công ty và quốc gia coi trừng phạt là một điều bình thường mới thì họ có thể tìm cách điều chỉnh lâu dài để đối phó. Như tập đoàn dầu Total của Pháp, họ đã sử dụng công cụ tài chính Trung Quốc để làm ăn với Nga.
Đòn trừng phạt của Mỹ còn thúc đẩy các quốc gia đối thủ bắt tay với nhau. Nga và Venezuela đều bị dính đòn trừng phạt của Mỹ và hai nước đã tăng cường quan hệ đầu tư. Thậm chí, Nga còn được cho là giúp Venezuela tạo tiền ảo để tránh trừng phạt.
Theo Washington Post, việc Mỹ lạm dụng tới mức phụ thuộc vào biện pháp trừng phạt khiến dư luận cho rằng trừng phạt đang được sử dụng làm công cụ chính sách ngoại giao số một. Nếu quá lạm dụng, Mỹ sẽ mất các lợi ích lâu dài.