Xe chở hàng cứu trợ tại trạm kiểm soát al-Wafideen, Syria ngày 8/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo MSF, tình trạng đang rất nguy cấp tại khu vực Đông Ghouta, với gần 400.000 người dân đang phải tiếp tục sống trong giao tranh và bạo lực từ ngày 18/2.
Thống kê cho thấy hàng ngày có rất nhiều người thiệt mạng và bị thương do trúng bom đạn, trong khi thuốc men và thiết bị y tế đang dần cạn kiệt, các cơ sở y tế liên tiếp bị giội bom đạn và các nhân viên y tế phải làm việc hết công suất.
MSF cho biết trong 20 cơ sở y tế được tổ chức này hỗ trợ tại Đông Ghouta, có 15 địa điểm đã bị trúng không kích hoặc đạn lạc. MSF kêu gọi các bên tham chiến tại Syria ngừng giao chiến để tạo điều kiện sơ tán người bệnh.
Cảnh báo đoàn xe cứu trợ gặp nguy hiểm Trước đó, cũng trong ngày 9/3, đoàn xe cứu trợ nhân đạo với sự tham gia của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), Liên hợp quốc (LHQ) và tổ chức Trăng Lưỡi liềm đỏ Syria đã bắt đầu tiến khu vực do phiến quân kiểm soát ở miền Đông Ghouta. Người phát ngôn ICRC đã xác nhận thông tin này.
Tuy nhiên, LHQ cho biết giao tranh căng thẳng trở lại tại Đông Ghouta, đặc biệt tại quận Douma, đang đe dọa đoàn xe cứu trợ nhân đạo này, mặc dù đã có sự bảo đảm từ các bên liên quan tại Syria.
Điều phối viên về vấn đề nhân quyền của LHQ Ali al-Zaatari đã kêu gọi ngừng các hành động thù địch trong khu vực và thiết lập ổn định tại Syria nhằm tạo điều kiện đưa hỗ trợ đến với người dân.
Hôm 5/3 vừa qua, 46 xe chở hàng cứu trợ của LHQ cũng đã vào đến khu vực Đông Ghouta trong chuyến hàng cứu trợ đầu tiên, tuy nhiên đoàn xe đã phải dừng hoạt động phân phát hàng cứu trợ và rời khỏi khu vực do bắn phá dữ dội.
Theo thông báo của lực lượng quân đội Chính phủ Syria, quân chính phủ đã chiếm được 52% số khu vực bị lực lượng nội dậy nắm giữ tại khu vực phía Đông Ghouta. Hiện Chính phủ Syria đã gửi thêm quân tới hỗ trợ chiến trường Đông Ghouta và quyết tâm sớm giải phóng khu vực này khỏi lực lượng phiến quân.