Theo đài BBC, cho đến khi đủ 21 tuổi, Begum (hiện 19 tuổi) có thể tự mang tư cách công dân Bangladesh - nước được cho là quê mẹ của Begum, sau khi bị Anh tước quyền công dân. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Bangladesh đã bác bỏ điều này. Theo Bộ Ngoại giao Bangladesh, Begum có quốc tịch trên giấy khai sinh là Anh và chưa từng nộp đơn đăng ký hai quốc tịch với Bangladesh. Hơn nữa, Begum cũng chưa từng đến Bangladesh dù đây là quê gốc của gia đình.
Trong khi đó, luật sư của gia đình Begum cho biết cô sinh ra tại Anh, chưa từng sở hữu hộ chiếu Bangladesh và không phải công dân mang hai quốc tịch.
Begum đã đến Syria năm 2015 khi mới chỉ 15 tuổi và đã kết hôn với một thành viên IS tại Syria. Sau khi sinh con tại một trại tị nạn hồi cuối tuần trước, đối tượng này mong muốn trở về Anh để nuôi con. Tuy nhiên, phía Anh tuyên bố tước quyền công dân của Begum.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid, tước quyền công dân là một "công cụ hữu hiệu" và không nên sử dụng bừa bãi công cụ này, nhưng khi một công dân quay lưng lại với các giá trị cơ bản và ủng hộ khủng bố, họ sẽ không có quyền quay trở lại Anh. Tính đến nay, hơn 100 cá nhân đã bị tước quyền công dân Anh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nội vụ Anh cho rằng London chỉ có thể tước quyền công dân nếu người đó không bị rơi vào tình trạng không còn tư cách công dân trong trường hợp họ mang hai quốc tịch hoặc có quyền công dân tại một nước nào đó. Cũng theo ông Javid, trẻ em sẽ không bị ảnh hưởng nếu cha mẹ bị mất quyền công dân Anh. Vì vậy, bé trai mới sinh của Begum có thể không bị ảnh hưởng quyền lợi.
Trả lời phỏng vấn đài BBC tại trại tị nạn ở miền Đông Syria, nơi cô sơ tán sau khi xảy ra giao tranh giữa IS và các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn, Begum cho biết cô là người Anh và chỉ có duy nhất 1 quốc tịch. Trước đó, trả lời hãng tin ITV News, Begum cho rằng quyết định của Anh là "không hợp lý" và có thể cân nhắc nộp đơn xin nhập tịch tại Hà Lan. Chồng của Begum mang quốc tịch Hà Lan, là 1 tay súng IS đang bị các lực lượng người Kurd giam giữ tại Syria.
Giới chức Hà Lan không đưa ra bình luận nào về thông tin trên, song giới chuyên gia cho rằng Begum có rất ít cơ hội được chấp nhận, do Begum sẽ phải đáp ứng một loạt yêu cầu khắt khe của nước này.
Luật sư của gia đình Begum cho biết đang xem xét "tất cả các biện pháp pháp lý" nhằm phản bác quyết định của Anh.
Trường hợp của Begum đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi kể từ khi đối tượng này cùng 2 người bạn rời London, tới Syria để tham chiến cho IS cách đây 4 năm. Nhiều nước châu Âu cũng đang trong tình thế khó xử và bị chia rẽ về việc liệu có nên cho phép các công dân từng tham chiến cho IS và những đối tượng ủng hộ IS hồi hương để đưa ra xét xử do lo ngại vấn đề an ninh.