Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, buổi đối thoại năm nay cũng đánh dấu kỷ niệm 10 năm SWR, trong đó nhìn lại tiến trình của ASEAN thực hiện mục tiêu hướng tới sự bền vững trong lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp, cũng như các dấu mốc quan trọng khác trong lịch sử đối thoại SWR. Năm 2013, SWR được triển khai lần đầu với nhiệm vụ tập hợp các bên liên quan từ các lĩnh vực khác nhau để thảo luận các giải pháp vì một ASEAN bền vững hơn.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Giáo sư Simon Tay, Chủ tịch SIIA, nhận định mức tiêu thụ hàng hóa toàn cầu đang tăng lên khi thế giới mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19. Cùng với đó, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng nâng cao nhận thức về nguy cơ tiềm ẩn từ việc phá rừng và mất đa dạng sinh học. Ông cho biết trong bối cảnh đó, Indonesia - nước Chủ tịch ASEAN năm 2023 - đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là biến ngành lâm nghiệp và sử dụng đất khác (FOLU) thành một bể hấp thụ carbon ròng vào năm 2030. Các nền kinh tế ASEAN khác cũng sẽ theo đuổi mục tiêu tương tự nhằm đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0.
Chủ tịch SIIA nhấn mạnh lĩnh vực trồng trọt sẽ đóng vai trò đi đầu trong quá trình chuyển đổi của ASEAN, trong đó các doanh nghiệp thuộc ngành nông nghiệp sẽ cần phải đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ hơn về môi trường của chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu hàng hóa của thị trường, các doanh nghiệp nông nghiệp sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các lĩnh vực mới nổi như sử dụng sinh khối trong sản xuất điện.
Bên cạnh đó, ông Simon Tay cũng nêu bật tầm quan trọng của hợp tác xuyên biên giới và đa phương, xem đây là điều cần thiết để đảm bảo rằng các sản phẩm của ASEAN được công nhận là "xanh" trên phạm vi toàn cầu và rằng quá trình chuyển đổi carbon thấp toàn cầu cũng là một quá trình chuyển đổi công bằng đối với khu vực Đông Nam Á.
Phát biểu tại sự kiện với chủ đề “Vai trò của Singapore trong quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu và khu vực”, Bộ trưởng Grace Fu đã nhấn mạnh "cần xây dựng niềm tin và sự tin cậy giữa tất cả các bên liên quan để đảm bảo hợp tác có ý nghĩa, hiệu quả và lâu dài, đồng thời có thể tăng sự thấu hiểu giữa các bên và giúp các nước thích ứng với chuyển đổi tùy theo bối cảnh mỗi nước". Bà khẳng định: "Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể tiến tới các thỏa thuận toàn cầu và khu vực để có thể giải quyết vấn đề chung toàn cầu một cách hiệu quả” .
Ngoài ra, Bộ trưởng Grace Fu cho biết Singapore đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Indonesia với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2023, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của “kiến thức, khả năng lãnh đạo và quan hệ đối tác” ở cấp khu vực trong việc giải quyết các thách thức về tính bền vững. Bà đánh giá chuỗi cung ứng kinh doanh nông sản ở ASEAN hiện đang được giám sát chặt chẽ hơn, phản ánh hiệu quả trong công tác quản lý.
Đối thoại năm nay cũng bao gồm các phiên thảo luận về thương mại bền vững và dung hòa với tăng trưởng, sinh kế và các phương hướng triển khai để ngành hàng hóa chuyển đổi "xanh" toàn diện. Các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và các đại diện khối tư nhân cũng tập trung trao đổi về biện pháp để các nền kinh tế ASEAN có thể tận dụng các nguồn tài nguyên và vốn tự nhiên nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh, cũng như việc phối hợp để hỗ trợ sinh kế và quá trình chuyển đổi xanh của khu vực. Ngoài ra, đối thoại năm nay cũng tập trung tìm kiếm cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong lĩnh vực trồng trọt và hàng hóa của ASEAN, trong bối cảnh gia tăng nhu cầu toàn cầu về các sản phẩm bền vững và năng lượng sạch.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 8/6, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã ra tuyên bố chung kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) “hướng tới một giải pháp công bằng và hợp lý” với các đối tác thương mại của mình về quy định chống phá rừng sắp tới. EU đang trong quá trình chuẩn bị một quy định mới yêu cầu các nhà nhập khẩu xác minh rằng chuỗi cung ứng của họ không có mối liên hệ với nạn phá rừng.