Đổi thay trong 5 năm sau ký kết Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

Nhiều nhà khoa học và ngoại giao dự đoán rằng tình trạng khí hậu từ giữa đến cuối thế kỷ này sẽ không u ám như những gì được cảnh báo trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu ký kết năm 2015.

Chú thích ảnh
Các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị Liên hợp quốc năm 2015 về Biến đổi khí hậu (COP21). Ảnh: AP

Nhưng họ cũng cảnh báo rằng ảnh hưởng từ tình trạng ấm lên toàn cầu đã “tấn công Trái Đất” mạnh hơn những gì được dự đoán. Các nhà khoa học đề cập đến thực tế rằng việc sử dụng than đá, dầu mỏ và khí đốt chưa thuyên giảm mặc dù đây là những tác nhân dẫn đến biến đổi khí hậu trong khi nhiên liệu tái tạo đang ngày càng rẻ hơn.

Ngày 12/12, đúng 5 năm sau khi đạt được Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo thế giới đã nhóm họp qua mạng trực tuyến để kỷ niệm những thành quả và đặt ra các bước đi tiếp theo. Hội nghị trực tuyến được Pháp, Anh và Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức có mục đích thúc đẩy các nhà lãnh đạo tăng cường hoài bão cho những năm tới và tuân thủ cam kết trước đây. Mỹ không tham dự sự kiện này. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden cam kết tái gia nhập thỏa thuận này.

Năm 2015, nhóm các nhà hoa học thuộc tổ chức Climate Action Tracker dự đoán thế giới có nguy cơ tăng nhiệt ở mức 3,6 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Con số này vượt xa mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Đến năm 2020 này, Climate Action Tracker lại dự đoán mức tăng nhiệt độ toàn cầu là 2,9 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhưng Climate Action Tracker cũng nhấn mạnh nếu 127 quốc gia thực hiện được cam kết mục tiêu trung hòa khí carbon thì mức tăng nhiệt sẽ là 2,1 độ C. Hơn 100 quốc gia đã cam kết đến giữa thế kỷ này đạt mục tiêu trung hòa khí carbon.

Chú thích ảnh
Mặt Trời mọc trong khói mù tại Mexico City tháng 2 vừa qua. Ảnh: AP

Ô nhiễm carbon đã tăng trên toàn cầu trong giai đoạn 2018-2019, sau đó đột ngột giảm 7% trong năm nay do tác động của dịch COVID-19. Nhưng nhiều khả năng tình trạng này sẽ tái gia tăng trong thời gian tới.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chia sẻ với AP: “Tôi có chú ý tới bằng chứng về tình trạng gia tăng hủy hoại khí hậu. Nhưng tôi tự tin về diễn biến tăng cường đoàn kết để đạt được mục tiêu trung hòa khí carbon… Điều này đóng góp cho sự bền lâu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”.

Tổng thư ký Guterres thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn để khiến các quốc gia biến cam kết thành hành động. Bên cạnh đó là thách thức trong thay đổi quy định thương mại toàn cầu liên quan đến khí thải carbon để giảm khí thải hiệu quả.

Năm 2020 nhiều khả năng sẽ đứng trong nhóm 2 hoặc 3 năm ấm nhất trong lịch sử từng được ghi nhận tính đến nay. Năm 2020 đã xảy ra nhiều thảm họa thiên nhiên như cháy rừng ở Mỹ, Australia, Amazon; nhiều cơn bão lớn… Sau khi 2020 kết thúc, 10 năm nóng nhất trong lịch sử thế giới tính đến nay đều nằm trong 16 năm gần đây.

Hà Linh/Báo Tin tức
Liên hợp quốc: Thỏa thuận Paris vẫn không thay đổi sau khi Mỹ rút khỏi
Liên hợp quốc: Thỏa thuận Paris vẫn không thay đổi sau khi Mỹ rút khỏi

Ngày 5/11, người phát ngôn của LHQ, Stephane Dujarric cho biết quyết tâm của LHQ về Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu vẫn không thay đổi mặc dù Mỹ đã thông báo rút khỏi Thỏa thuận này hôm 4/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN