Tờ Daily Mail đưa tin các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Y sinh Texas (Mỹ) và Đại học Verona (Italy) đã tiến hành nghiên cứu trên nhóm đối tượng gồm 787 nhân viên y tế ở Italy trong độ tuổi từ 21 – 75.
Nhóm chuyên gia đã đo lượng kháng thể ở các tình nguyện viên trước tiêm, sau tiêm liều hai cũng như là ở các mốc 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng sau tiềm liều hai.
Kết quả, họ phát hiện sau khi tiêm đủ hai liều, lượng kháng thể do vaccine tạo ra đối với phụ nữ và trẻ em sẽ cao hơn so với ở đàn ông và người trên 65 tuổi. Ngoài ra, những người dưới 65 tuổi tham gia nghiên cứu được nhận thấy có mức kháng thể nhiều gấp đôi so với những người trên ngưỡng tuổi này.
Tuy vậy, nghiên cứu này cũng cho thấy lượng kháng thể sẽ giảm 50% trong vòng 6 tháng đối với tất cả mọi người, bất kể tuổi tác hay giới tính.
Ông Brandon Michael Henry, nhà nghiên cứu tại Texas Biomed, khẳng định: “Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp thêm bằng chứng rằng việc tiêm phòng nhắc lại đối với toàn bộ người trưởng thành là rất quan trọng để giữ mức kháng thể tăng lên nhằm duy trì phản ứng miễn dịch hiệu quả với COVID-19 và ngăn ngừa tử vong do COVID-19”.
Nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết về sự khác biệt giữa các giới tính là do nội tiết tố trong cơ thể, cụ thể là testosterone ở nam giới. Theo báo cáo, testosterone có bản chất tự nhiên là ngăn cản hệ miễn dịch, trong khi estrogen - cao hơn ở phụ nữ - lại khuếch đại các phản ứng miễn dịch.
Ngoài ra, một số gien chịu trách nhiệm mã hóa một số protein miễn dịch lại nằm trên nhiễm sắc thể X. Và vì phụ nữ có hai nhiễm sắc thể X, khả năng kích thích miễn dịch của họ lại càng mạnh.
Theo ông, thông thường, chỉ có một nhiễm sắc thể X hoạt động và nhiễm sắc thể còn lại hầu như không hoạt động. Nhưng có bằng chứng cho thấy các gien liên quan đến miễn dịch vẫn hoạt động trên nhiễm sắc thể dư thừa đó và giúp tăng cường phản ứng miễn dịch ở phụ nữ.
Trước đó, nhà nghiên cứu này cũng đã thực hiện các đánh giá mang tính hệ thống cho thấy những kết quả tương tự về độ tuổi và giới tính. Ông và các đồng nghiệp đã phát triển một phương pháp chuẩn hóa kết quả nghiên cứu về mức độ kháng thể, bằng cách xem xét tỷ lệ phần trăm thay đổi nồng độ kháng thể qua 32 nghiên cứu với hơn 5.000 người tham gia.
Ông Henry cho biết: “Chúng tôi đã quan sát thấy trong suốt đại dịch, ngày càng có nhiều người lớn tuổi và đàn ông phải chịu hậu quả tồi tệ nhất của COVID-19. Phản ứng miễn dịch yếu hơn đối với virus SARS-CoV-2 là một yếu tố góp phần gây ra hiện tượng này”.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khẳng định sự suy giảm lượng kháng thể không đồng nghĩa với việc vaccine không có hiệu quả phòng ngừa bệnh. Người dân cần tiêm liều tăng cường để duy trì mức kháng thể phù hợp.
Nghiên cứu này được công bố trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mang tên Omicron. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá nó là một nguy cơ rất cao trên phạm vi toàn cầu. Omicron là chủng đột biến nhiều nhất từng được phát hiện cho đến nay, có thể mang khả năng kháng vaccine hoặc dễ lây nhiễm hơn chủng Delta.