Thêm nhiều nước ghi nhận các ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron

Ngày 30/11, Nhật Bản, Pháp và Australia đã trở thành những quốc gia mới nhất ghi nhận các ca đầu tiên nhiễm biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 là Omicron.

Chú thích ảnh
Chính phủ Nhật Bản đã đóng cửa biên giới với người nước ngoài để phòng nguy cơ lây nhiễm biến chủng mới Omicron. Ảnh: The Straits Times

Hãng tin Kyodo dẫn một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron và đó là một nhà ngoại giao Namibia khoảng 30 tuổi.

Trường hợp này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 khi tới sân bay Narita (Tokyo) hôm 28/11 vừa qua. Kết quả xét nghiệm sau đó tại Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm của Nhật Bản cho thấy hành khách từ Namibia này đã nhiễm biến chủng Omicron.

Ca đầu tiên nhiễm Omicron được ghi nhận chỉ 1 ngày sau khi nhà chức trách Nhật Bản siết chắt kiểm soát biên giới để ngăn chặn nguy cơ lây lan của biến thể mới. Tối 29/11, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo nước này đã chính thức áp dụng các biện pháp hạn chế mới, theo đó Chính phủ Nhật Bản dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài từ 0h ngày 30/11. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với người đã xuất phát từ sân bay nước ngoài trước thời điểm trên để đến Nhật Bản.

Bên cạnh đó, cũng từ 0h ngày 30/11, Nhật Bản đã ngừng nhận đơn xem xét áp dụng các biện pháp nới lỏng hạn chế hành vi đối với những người đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, đồng thời những người nhập cảnh vào Nhật Bản sau thời điểm 0h ngày 1/12 sẽ không còn thuộc diện nới lỏng hạn chế hành vi. Điều này có nghĩa là kể từ thời điểm trên, người về nước hoặc tái nhập cảnh vào Nhật Bản dù đã có chứng nhận tiêm chủng vaccine và xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 cũng không còn được hưởng các cơ chế ưu tiên như cách ly bắt buộc 3 ngày hoặc giảm thời gian tự cách ly từ 14 ngày xuống còn 10 ngày, vốn được áp dụng từ ngày 8/11 vừa qua.

Cũng trong ngày 30/11, Pháp trở thành quốc gia châu Âu mới nhất ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến chủng virus Omicron. Giới chức y tế Pháp xác nhận trường hợp đầu tiên này xuất hiện tại vùng lãnh thổ hải ngoại Reunion của Pháp trên Ấn Độ Dương. Bệnh nhân là một người đàn ông 53 tuổi từng tới Mozambique và có chặng dừng chân ở Nam Phi trước khi trở về Reunion.

Chú thích ảnh
Hình ảnh so sánh biến thể Delta (bên trái) và Omicron của bệnh viện Bambino Gesu. Ảnh: RT

Trong khi đó tại Australia, chính quyền sở tại ngày 30/11 cho biết một du khách quốc tế nhiều khả năng nhiễm biến thể Omicron đã có một thời gian dài sống trong cộng đồng khi cơ quan chức năng đang khẩn trương truy vết các trường hợp tiếp xúc gần và những địa điểm mà người này từng đến.

Giới chức y tế bang New South Wales thông báo xét nghiệm ban đầu "cho thấy rõ ràng" rằng du khách trên đã nhiễm biến thể Omicron. Trong tuần qua, trước khi các biện pháp siết chặt biên giới mới nhất được triển khai, du khách tiêm phòng đầy đủ này đã ghé qua một trung tâm mua sắm sầm uất ở thành phố Sydney tại thời điểm có khả năng lây truyền bệnh. Tất cả các hành khách đi cùng chuyến bay của người này đã được yêu cầu tự cách ly trong 14 ngày, bất kể tình trạng tiêm chủng của họ.

Nếu thông tin trên được xác nhận chính thức, tổng số ca nhiễm biến thể mới Omicron tại Australia sẽ tăng lên thành 6 ca. Hiện tất cả các ca này đều đã được cách ly, không có triệu chứng mắc COVID-19 hoặc triệu chứng nhẹ. Giới chức sở tại hiện đang tiến hành giải mã khẩn cấp bộ gene của 2 mẫu bệnh phẩm khác nhằm xác định xem liệu các trường hợp này có nhiễm biến thể Omicron hay không. Các thông tin cập nhật trên được đưa ra tại thời điểm chính quyền cấp liên bang và cấp bang tại Australia nhóm họp khẩn để xem xét các biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ lây lan biến thể Omicron.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Getty

WHO cho biết thế giới tới ngày 29/11 chưa ghi nhận ca tử vong nào liên quan tới biến thể mới Omicron, song nguy cơ bùng phát toàn cầu của chủng mới này là “rất cao”. Hãng tin Reuters dẫn một thông cáo của WHO đánh giá biến chủng mới Omicron có thể bùng phát trên phạm vi toàn cầu, gây ra mối đe dọa toàn cầu ở mức “rất cao” và có thể khiến một số khu vực phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng.

Trong khuyến cáo gửi 194 thành viên của tổ chức, WHO hối thúc cộng đồng quốc tế phải sẵn sàng ứng phó với biến chủng mới, đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine cho các nhóm thuộc diện ưu tiên cao và đảm bảo triển khai các kế hoạch đối phó để duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu. Khuyến cáo có đoạn nêu rõ: “Omicron sở hữu số lượng đột biến chưa từng có, một số trong đó liên quan đến tác động tiềm tàng đối với quỹ đạo của đại dịch… Về tổng thể, nguy cơ toàn cầu liên quan đến biến thể mới đáng quan ngại này được đánh giá là rất cao."

Theo WHO, cần có thêm nghiên cứu để hiểu rõ hơn về khả năng Omicron “né tránh” hệ thống bảo vệ mà các vaccine tạo ra cho hệ thống miễn dịch của con người. Báo cáo đầy đủ hơn dự kiến sẽ có trong vài tuần tới.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức (Theo Kyodo, ABC News, AFP)
Chuyên gia y tế Mỹ: Thế giới không thể xóa sổ COVID-19
Chuyên gia y tế Mỹ: Thế giới không thể xóa sổ COVID-19

Cố vấn y tế hàng đầu của Nhà Trắng Anthony Fauci nhận định thế giới sẽ không thể xóa sổ bệnh COVID-19 nên hãy học cách sống chung với nó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN