Điều khiến nhiều quốc gia triển khai tiêm phối hợp hai loại vaccine COVID-19

Hầu hết vaccine phòng COVID-19 hiện nay đều được quy định tiêm hai liều và người dân cũng chỉ tiêm một loại vaccine. Nhưng điều đó đã thay đổi khi ngày càng có nhiều quốc gia cho phép hoặc thậm chí khuyến khích phối hợp tiêm hai loại vaccine COVID-19.

Chú thích ảnh
Một số quốc gia đã cho phép việc tiêm phối hợp hai loại vaccine COVID-19. Ảnh: The New York Times

Ngày 22/6 vừa qua, Chính phủ Đức xác nhận Thủ tướng Angela Merkel đã tiêm hai liều vaccine COVID-19 của hai loại khác nhau. Tờ New York Times (Mỹ) đánh giá diễn biến này càng góp phần tạo quan tâm về xu hướng tiêm phối hợp hai loại vaccine COVID-19.

Một số quốc gia lại áp dụng phương pháp này do hoàn cảnh bắt buộc khi nguồn cung của một loại vaccine bị thiếu hụt hoặc có nhiều ngờ vực về độ an toàn của loại vaccine đã tiêm liều đầu tiên cho người dân. Nhưng riêng Mỹ đang chần chừ trước phương pháp này.

Nhiều nhà khoa học và chính khách lại quan tâm đến khả năng tiêm hai loại vaccine khác nhau cho cùng một người có thể tạo lợi thế đáng kể.

Lợi ích tiềm năng

Các nhà khoa học gọi hình thức phối hợp các loại vaccine là “tiêm nhắc lại khác loại”. Đây không phải là ý tưởng mới bởi các nhà nghiên cứu đã có kinh nghiệm áp dụng “tiêm nhắc lại khác loại” cho nhiều loại bệnh khác, như Ebola.

Các nhà khoa học đưa ra giả thiết rằng việc tiêm cho người dân hai loại vaccine không quá khác biệt có thể tạo phản ứng miễn dịch mạnh hơn bởi mỗi loại vaccine kích thích một phần khác nhau của hệ thống miễn dịch để “dạy” nhận biết các bộ phận của loại virus tấn công.

Nhà miễn dịch học Zhou Xing tại Đại học McMaster (Canada) đánh giá ngoài tiềm năng về lợi ích miễn dịch, việc phối hợp vaccine còn tạo điều kiện lựa chọn linh hoạt nếu nguồn cung bị hạn chế hoặc không đồng đều.

Dữ liệu phản ánh điều gì

Đã có nhiều thử nghiệm đang diễn ra để đánh giá về lợi ích hoặc hạn chế của “tiêm nhắc lại khác loại”. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh) đang thử nghiệm việc phối hợp các loại vaccine khác biệt như AstraZeneca-Oxford, Pfizer-BioNTech, Moderna và Novavax.

Viện Y tế Quốc gia Mỹ gần đây cũng tiến hành thử nghiệm việc phối hợp vaccine. Trong khi đó, các nhà khoa học Nga đã bắt tay nghiên cứu phối hợp vaccine Sputnik V cùng AstraZeneca.

Hầu hết các nghiên cứu đang ở giai đoạn thử nghiệm đầu nhưng đều có kết quả nhiều hứa hẹn. Một ví dụ là trong tháng 5, đội nghiên cứu Tây Ban Nha tuyên bố đã ghi nhận những người tiêm 1 liều vaccine AstraZeneca và sau đó là Pfizer có phản ứng miễn dịch tăng mạnh.

Mức độ an toàn

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm vaccine COVID-19 tại Paris (Pháp). Ảnh; Getty Images

Các dữ liệu sơ bộ từ nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy việc phối hợp vaccine có gây tăng phản ứng phụ nhẹ như sốt, mệt mỏi, đau đầu. Tuy nhiên, cũng có khả năng phản ứng phụ là dấu hiệu của hệ miễn dịch phản hồi mạnh mẽ. Hầu hết các phản ứng phụ đều biến mất trong 48 giờ.

Ông Daniel Altmann tại Đại học Hoàng gia London (Anh) đánh giá: “Chúng ta biết được rằng trong 18 tháng bùng phát dịch COVID-19, không có gì là không thể, nhưng cũng thực sự khó để hợp lý hóa bất cứ rủi ro mới nào liên quan đến phương pháp thử nghiệm miễn dịch”.

Giới chức Y tế tại một số quốc gia đã chấp thuận việc phối hợp các loại vaccine COVID-19. Đức, Canada, Thụy Điển, Pháp, Tây Ban Nha và Italy đều thông báo rằng những người từng tiêm một liều AstraZeneca có thể dùng loại vaccine khác trong mũi thứ hai.

Do việc trì hoãn trong chuyển giao vaccine AstraZeneca, Hàn Quốc trong tháng 6 tuyên bố rằng những nhân viên y tế tiêm mũi đầu là vaccine AstraZeneca sẽ được tiêm vaccine Pfizer cho mũi thứ hai.

Tuy nhiên, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) lại khá dè dặt. FDA đánh giá rằng những người từng tiêm một liều vaccine Pfizer hoặc Moderna có thể tiêm liều thứ hai loại còn lại trong trường hợp thiếu hụt 1 trong 2 loại.

Thủ tướng Đức Merkel đã tiêm AstraZeneca trong tháng 4 khi dư luận còn ngờ vực về loại vaccine này khiến chiến dịch tiêm chủng tiến triển chậm. Người phát ngôn của Thủ tướng, ông Steffen Seibert ngày 23/6 nói: “Khi tiêm mũi đầu là AstraZeneca, Thủ tướng muốn khuyến khích nhiều người tiêm loại vaccine này”. Nhắc đến việc bà Merkel tiêm mũi thứ hai là vaccine Moderna, ông Seibert phân tích: “Có lẽ Thủ tướng muốn giảm nhẹ lo lắng của người dân về việc tiêm phối hợp vaccine bằng việc chính bà là người thử nghiệm”.

Ủy ban vaccine Đức vào tháng 4 khuyến khích bất cứ ai dưới 60 tuổi từng tiêm mũi đầu AstraZeneca nên tiêm mũi thứ hai là Pfizer hoặc Moderna.

Hà Linh/Báo Tin tức
Hầu hết các ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ là những người chưa tiêm vaccine
Hầu hết các ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ là những người chưa tiêm vaccine

Vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả đến mức gần như ngăn chặn được các trường hợp tử vong, đặc biệt là đối với người lớn tuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN