Trước đó, ngày 4/2, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Anh Piers Morgan, ông Zelensky bất ngờ tuyên bố có thể tổ chức đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây được xem là sự thay đổi đáng kể so với lập trường trước đó của ông, khi vào cuối năm 2022, ông ký sắc lệnh cấm bất kỳ cuộc đàm phán nào với chính quyền Nga.
"Nếu đó là phương án duy nhất giúp chúng tôi mang lại hòa bình cho người dân Ukraine và tránh tổn thất thêm sinh mạng, thì chắc chắn tôi sẽ theo đuổi phương án này, tổ chức cuộc gặp đó", ông Zelensky nói.
Trả lời báo chí hôm 5/2 về phát biểu của Tổng thống Zelensky, ông Peskov nhấn mạnh rằng vấn đề đàm phán không thể dựa trên cảm xúc mà cần đến “phân tích pháp lý và sự thực dụng tuyệt đối”.
Ông Peskov chỉ ra rằng nhiệm kỳ của ông Zelensky đã kết thúc từ tháng 5 năm ngoái, nhưng ông từ chối tổ chức bầu cử tổng thống. Theo lập trường của Moskva, quyền lực hợp pháp ở Ukraine hiện thuộc về Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội.
Mặc dù vậy, phía Nga vẫn sẵn sàng đàm phán, ông Peskov khẳng định, đồng thời nhấn mạnh rằng những thành công của Nga trên chiến trường cho thấy Kiev mới là bên cần thể hiện thiện chí đối thoại.
Ngoài vấn đề đàm phán, ông Peskov cũng phản bác đề xuất của ông Zelensky về việc phương Tây có thể trao cho Ukraine vũ khí hạt nhân như một giải pháp thay thế nếu nước này không thể gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
"Những tuyên bố như vậy là điên rồ. Có một cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân và dù có bất kỳ thiếu sót nào, các chính trị gia châu Âu cũng đủ hiểu rằng việc thảo luận vấn đề này là phi lý và nguy hiểm", ông Peskov nhấn mạnh.
Theo Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, Ukraine đã từ bỏ kho vũ khí hạt nhân thừa kế từ Liên Xô để đổi lấy đảm bảo an ninh từ Nga, Mỹ và Anh. Kiev nhiều lần cáo buộc Moskva vi phạm thỏa thuận này sau khi Crimea sáp nhập vào Nga vào năm 2014. Tuy nhiên, Nga lập luận rằng thỏa thuận này đã mất hiệu lực do NATO mở rộng về phía Đông, đe dọa an ninh của Moskva.
Tổng thống Putin từng tuyên bố rằng Nga sẽ không bao giờ cho phép Ukraine sở hữu hoặc phát triển vũ khí hạt nhân.
Trong một diễn biến khác, ông Peskov thừa nhận rằng sau khi chính quyền Mỹ mới nhậm chức, Moskva đã nhận được nhiều tín hiệu hơn từ Washington.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong cuộc họp báo tuần trước, cho biết chính quyền của ông vẫn duy trì liên lạc với Nga và tái khẳng định mong muốn nhanh chóng chấm dứt xung đột Ukraine.
Nga tỏ thái độ thận trọng nhưng lạc quan trước động thái từ Washington, nhấn mạnh rằng Moskva tìm kiếm một giải pháp toàn diện thay vì chỉ đơn thuần đóng băng xung đột. Điện Kremlin cho rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải giải quyết vấn đề NATO mở rộng tại châu Âu cũng như việc Kiev phân biệt đối xử với người gốc Nga.
Ngoài ra, Nga cũng nghi ngờ tính hợp pháp của bất kỳ hiệp định nào mà ông Zelensky ký kết, bởi nhiệm kỳ tổng thống của ông đã kết thúc. Ukraine vẫn đang duy trì tình trạng thiết quân luật và trì hoãn bầu cử, trong khi ông Zelensky khẳng định ông vẫn hợp pháp do giành chiến thắng áp đảo vào năm 2019.
Bất chấp những nghi ngại này, ông Peskov tái khẳng định Moskva sẵn sàng đàm phán và cảnh báo rằng với đà tiến của quân đội Nga, Kiev nên cân nhắc đàm phán càng sớm càng tốt để tránh tổn thất thêm.