“Chúng tôi đang có các cuộc đàm phán rất tích cực, rất mang tính xây dựng về tình hình Ukraine. Chúng tôi đang đàm phán với người Nga và thảo luận với giới lãnh đạo Ukraine. Tôi nghĩ rằng sẽ có điều gì đó, hy vọng sẽ có sự thay đổi lớn về mọi thứ”, ông Trump nói tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Về phía Ukraine, trong cuộc phỏng vấn với nhà báo người Anh Piers Morgan, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã bày tỏ sẵn sàng đàm phán Tổng thống Nga Vladimir Putin, nếu đó là lựa chọn duy nhất để chấm dứt xung đột Ukraine.
“Nếu đó là cách duy nhất mà chúng tôi có thể mang lại hòa bình cho người dân Ukraine, chắc chắn chúng tôi sẽ làm vậy, sẵn sàng tham gia cuộc gặp này”, ông Zelensky tuyên bố.
Tuyên bố của ông Zelensky dường như phản ánh thay đổi rõ rệt trong quan điểm của ông. Trước đó, ông Zelensky đã nhiều lần từ chối đàm phán với ông Putin và thậm chí ký một sắc lệnh cấm tất cả các cuộc đàm phán với Moskva và Tổng thống Nga. Vào tháng trước, ông đã nới lỏng lệnh cấm, chỉ giữ quy định cấm đối với các quan chức Ukraine ngoại trừ chính mình. Tuy nhiên, sắc lệnh ban đầu vào năm 2022 khẳng định các cuộc đàm phán với Nga là không thể, mà không chỉ rõ ai hoặc tổ chức nào bị cấm tham gia.
Tuần trước, Tổng thống Putin đã nhắc lại quan điểm của Moskva, cho rằng Tổng thống Zelensky không có đủ tính hợp pháp để ký kết bất kỳ thỏa thuận nào vì nhiệm kỳ của ông đã chấm dứt vào tháng 5/2024 và không có cơ chế hiến pháp nào để gia hạn. Tuy nhiên, ông Putin cũng cho biết ông sẵn sàng cử các nhà đàm phán đến để thảo luận với ông Zelensky nếu ông sẵn sàng thảo luận.
Ngoài ra, Tổng thống Nga lưu ý rằng sắc lệnh cấm đàm phán của Ukraine vẫn là một trở ngại lớn đối với bất kỳ cuộc đàm phán thực chất nào giữa Kiev và Moskva. Ông Putin còn cam kết sẽ cử một nhóm chuyên gia pháp lý để đánh giá tính hợp pháp của bất kỳ nhóm đàm phán nào từ Ukraine, nhằm xác định xem họ có đủ quyền hạn để ký kết một thỏa thuận hay không.
Dẫn các nguồn tin quen thuộc với các cuộc đàm phán, hãng tin Reuters hôm 4/2 đưa tin Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã được xác định là địa điểm tiềm năng cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin. Diễn biến này diễn ra sau những tuyên bố gần đây của ông Trump bày tỏ ý định nhanh chóng chấm dứt xung đột Ukraine và sẵn sàng gặp ông Putin.
Dù chưa có thông tin xác nhận về việc Mỹ và Nga có liên quan trực tiếp đến hội nghị thượng đỉnh sắp tới, nhưng gần đây, các quan chức cấp cao của Nga đã có các chuyến thăm đến cả Saudi Arabia và UAE.
Cả Saudi Arabia và UAE đều duy trì lập trường trung lập trong suốt cuộc xung đột Ukraine, đồng thời duy trì đối thoại với cả Nga và Ukraine. Chính quan điểm trung lập này, cùng với mối quan hệ tốt đẹp của hai quốc gia với cả Tổng thống Trump và Tổng thống Putin, khiến họ trở thành những ứng cử viên lý tưởng để tổ chức hội nghị thượng đỉnh.
Việc lựa chọn địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh được cho là chịu tác động mạnh mẽ từ bối cảnh địa chính trị hiện tại. Các địa điểm truyền thống ở phương Tây bị cho là không phù hợp, do sự ủng hộ rõ ràng dành cho Ukraine trong khu vực này.
Cả Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin đều đang vun đắp mối quan hệ tốt đẹp với các nhà lãnh đạo của Saudi Arabia và UAE. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên mà ông Trump điện đàm sau khi nhậm chức. Trong bài phát biểu vào tháng trước qua video tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, ông Trump đã ca ngợi Thái tử bin Salman là một người tuyệt vời.
Tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Putin cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Thái tử bin Salman vì đã tạo điều kiện cho cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất giữa Mỹ và Nga kể từ Chiến tranh Lạnh.
Washington và Moskva chưa bình luận về cuộc gặp tiềm năng giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Nga.