Nga sắp triển khai vũ khí tạo ra thay đổi đáng kể về cán cân sức mạnh ở chiến trường Ukraine

Vũ khí này đặt gần như toàn bộ căn cứ quân sự, sân bay của Tây Âu trong phạm vi tấn công, khiến các tiêm kích F-16 do NATO cung cấp cho Ukraine không còn nơi ẩn giấu.

Chú thích ảnh
Bản tin của hãng thông tấn Sputnik nói về tên lửa Iskander-1000. Ảnh chụp màn hình

Hãng thông tấn Sputnik của Liên bang Nga chiều 4/2, theo giờ địa phương, cho biết một phiên bản mới của tên lửa đạn đạo chiến thuật đối đất Iskander, có tên là Iskander-1000, với tầm bắn lên tới 1.000 km (so với 400 km của phiên bản Iskander-M), chuẩn bị được triển khai tại Ukraine trong thời gian tới. Việc mở rộng tầm bắn cùng các tính năng tiên tiến của tên lửa này dự kiến sẽ làm gia tăng lo ngại trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách chưa từng có.

Hai nâng cấp đáng kể của Iskander-1000

Tên lửa Iskander-1000 là một bản nâng cấp quan trọng so với các phiên bản trước trong hệ thống tên lửa Iskander, vốn đã là một vũ khí chủ lực trong kho vũ khí của Liên bang Nga. Phiên bản mới này vượt trội hơn đáng kể về tầm bắn.

Thứ nhất là trong khi Iskander-M có tầm bắn tối đa khoảng 500 km, thì Iskander-1000 có thể đạt tới 1.000 km với đầu đạn thông thường và lên tới 1.300 km với đầu đạn hạt nhân đặc biệt. Khả năng này giúp Iskander-1000 có thể tấn công các vị trí chiến lược xa hơn, vốn nằm ngoài tầm với của các phiên bản Iskander trước đó, đồng thời làm phức tạp thêm nỗ lực phòng thủ của NATO và Ukraine.

Thứ hai là tên lửa Iskander-1000 có thể mang nhiều loại đầu đạn khác nhau, bao gồm:

• Đầu đạn nổ phá mảnh được thiết kế để tấn công chính xác các mục tiêu điểm như cơ sở quân sự, bệ phóng hoặc kho đạn.

• Đầu đạn xuyên phá dùng để tiêu diệt các mục tiêu kiên cố như hầm ngầm hoặc boongke.

• Đầu đạn chùm được sử dụng để tấn công diện rộng, gây thiệt hại lớn cho lực lượng, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng quân sự. Đầu đạn này có thể phủ một khu vực rộng tới 1 ha, đảm bảo khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu tập trung với mật độ cao.

• Đầu đạn nhiệt áp khiến nó trở thành một vũ khí nguy hiểm đối với nhiều loại mục tiêu khác nhau, từ cơ sở hạ tầng đến thiết bị quân sự.

• Đầu đạn hạt nhân có uy lực nổ lên tới 50 kiloton.

Thiết kế và hiệu suất cải tiến

Nhìn bề ngoài, Iskander-1000 có nhiều điểm tương đồng với các biến thể Iskander trước đó, với chiều dài 7,3 mét, đường kính 0,92 mét, và trọng lượng khi phóng khoảng 3,8 tấn. Tuy nhiên, một số cải tiến quan trọng giúp tăng tầm bắn và hiệu suất hoạt động:

Một là lượng nhiên liệu rắn trong tên lửa đã được tăng thêm 10-15%, giúp cải thiện hiệu suất động cơ và kéo dài thời gian bay.

Hai là tên lửa sử dụng loại nhiên liệu có mật độ năng lượng cao (octogen), giúp nó đạt vận tốc từ 2.700 đến 3.100 m/s, nhanh hơn đáng kể so với 2.100 m/s của mẫu 9M723-1/K5 trước đó. Tốc độ này tương đương với tên lửa Kinzhal của Liên bang Nga, vốn được coi là một vũ khí siêu vượt âm.

Ba là tên lửa Iskander-1000 bay theo quỹ đạo bán đạn đạo, đạt độ cao từ 120 đến 130 km, khiến việc đánh chặn trở nên vô cùng khó khăn. Nguyên nhân là do các tên lửa phòng không SM-6 của NATO triển khai tại Ba Lan chỉ có thể hoạt động hiệu quả ở độ cao tối đa 35 km và các hệ thống đánh chặn như SM-3 và THAAD dựa vào cảm biến hồng ngoại, nhưng khả năng này suy giảm đáng kể ở độ cao trên 95-120 km, làm giảm hiệu quả đánh chặn.

Bốn là tên lửa Iskander-1000 cũng có khả năng cơ động cao trong cả giai đoạn đầu và cuối của hành trình bay. Cụ thể: Khi tiếp cận mục tiêu, tên lửa Iskander-1000 sử dụng cánh điều khiển khí động học để thực hiện các thao tác né tránh, với gia tốc lên tới 25-30 g; Khi lao xuống tầng bình lưu, tốc độ của nó đạt 1.600-1.900 m/s (gấp gần 5 lần tốc độ âm thanh); Khi vào tầng đối lưu, tốc độ giảm xuống còn 1.400-1.600 m/s, vẫn đủ để gây khó khăn cho các hệ thống phòng thủ hiện tại.

Tiến trình phát triển nhanh chóng của tên lửa Iskander-1000

Việc phát triển tên lửa Iskander-1000 diễn ra với tốc độ đáng kể. Ngày 23/12/2023, Tổng tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược Liên bang Nga tuyên bố tên lửa này sẽ được đưa vào hoạt động khẩn cấp. Ngày 6/5/2024, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga xác nhận đã bắt đầu sản xuất hàng loạt. Ngày 28/6/2024, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin nhấn mạnh tốc độ triển khai nhanh chóng của loại vũ khí này.

Những tác động đối với cuộc chiến tại Ukraine và NATO

Dù Iskander-1000 đã được báo cáo rộng rãi, hiện chưa có hình ảnh hoặc bằng chứng xác thực về việc triển khai trên chiến trường Ukraine. Tuy nhiên, nếu tên lửa này được đưa vào sử dụng, nó sẽ tạo ra một sự thay đổi đáng kể trong cán cân sức mạnh, đặt ra thách thức mới đối với Ukraine và NATO.

Điều đặc biệt đáng lo ngại là khả năng tấn công từ xa, thời gian bay và tính cơ động của Iskander-1000:

Với tầm bắn của tên lửa Iskander-1000, gần như toàn bộ các căn cứ quân sự và sân bay của Tây Âu đều nằm trong phạm vi tấn công của nó. Nêu được bố trí ở bán đảo Crimea, tên lửa này có thể vươn tới hầu hết các căn cứ quân sự của Mỹ và NATO tại Đông Địa Trung Hải. Bên cạnh đó, Iskander-1000 có thể nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng, căn cứ quân sự, và các mục tiêu chiến lược nằm ngoài phạm vi bảo vệ của các hệ thống phòng thủ hiện tại của NATO. Chưa kể, Ukraine từ lâu đã gặp khó khăn trong việc bảo vệ các máy bay tiêm kích F-16 do NATO cung cấp, và với tầm bắn mở rộng của Iskander-1000, việc ẩn giấu chúng càng trở nên bất khả thi.

Thời gian bay của Iskander-1000 từ Liên bang Nga đến Anh chỉ khoảng 10 phút, với sai số chệch mục tiêu trong vòng 5 mét, đảm bảo khả năng tấn công cực kỳ chính xác. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO gần như vô hiệu trước các tên lửa siêu vượt âm của Liên bang Nga, khiến NATO phải đối mặt với một mối đe dọa ngày càng lớn từ Moskva (Moscow). Cho nên, việc triển khai loại vũ khí này sẽ đánh dấu một sự leo thang nguy hiểm trong cuộc xung đột, làm gia tăng nguy cơ đối với các quốc gia thành viên NATO.

Nhờ sự đa dạng trong các loại đầu đạn có độ chính xác cao, tổ hợp Iskander-1000 có thể nhanh chóng và chính xác tiêu diệt các mục tiêu có mức độ phức tạp khác nhau. Đáng chú ý, khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Iskander-1000 có thể làm thay đổi hoàn toàn cục diện chiến lược, làm dấy lên lo ngại về an ninh châu Âu và nguy cơ leo thang hạt nhân.

Nói tóm lại, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, sự xuất hiện của Iskander-1000 là một minh chứng rõ ràng cho cuộc chạy đua vũ trang ngày càng khốc liệt, đồng thời đặt ra thách thức lớn đối với NATO trong việc đối phó với các hệ thống tên lửa tiên tiến của Nga. Với năng lực tấn công tầm xa và tính linh hoạt chiến thuật cao, tên lửa này có thể thay đổi cục diện cuộc chiến tại Ukraine và gây ảnh hưởng sâu rộng đến an ninh khu vực.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Sputnik/Army Recognition)
Bước thay đổi quan trọng về chính sách của Nhật Bản nhìn từ việc viện trợ quân sự cho Ukraine
Bước thay đổi quan trọng về chính sách của Nhật Bản nhìn từ việc viện trợ quân sự cho Ukraine

Quyết định của Nhật Bản trong việc gửi các phương tiện quân sự hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại các lực lượng của Liên bang Nga báo hiệu khả năng mở ra một kỷ nguyên mới trong cách tiếp cận của Tokyo đối với an ninh quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN