Bước thay đổi quan trọng về chính sách của Nhật Bản nhìn từ việc viện trợ quân sự cho Ukraine

Quyết định của Nhật Bản trong việc gửi các phương tiện quân sự hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại các lực lượng của Liên bang Nga báo hiệu khả năng mở ra một kỷ nguyên mới trong cách tiếp cận của Tokyo đối với an ninh quốc tế.

Chú thích ảnh
Xe tải hạng nhẹ Mitsubishi Type 73. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản/X

Ngày 4/2, Nhật Bản đã thông báo về việc bàn giao thêm sáu xe tải hạng nhẹ Mitsubishi Type 73 cho Ukraine, nâng tổng số phương tiện dạng này mà Nhật Bản cung cấp cho Ukraine lên 101 chiếc. Lô hàng mới nhất này là một phần trong nỗ lực liên tục nhằm cung cấp hỗ trợ quân sự phi sát thương cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Liên bang Nga.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X (Twitter trước đây), Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho biết: “Bộ Quốc phòng và Lực lượng Phòng vệ đã liên tục viện trợ cho Ukraine, bao gồm 101 phương tiện của Lực lượng Phòng vệ. Lần này, chúng tôi đã gửi thêm sáu xe. Chúng tôi hy vọng những phương tiện này sẽ hữu ích cho Ukraine. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine nhiều nhất có thể”.

Quyết định gần đây của Nhật Bản về việc gửi sáu xe tải hạng nhẹ Mitsubishi Type 73 đến Ukraine đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong chính sách hỗ trợ quốc phòng của nước này. Trước đây, do bị ràng buộc bởi Hiến pháp hòa bình thời hậu Thế chiến II, Nhật Bản phần lớn tránh cung cấp viện trợ quân sự ra nước ngoài, bao gồm cả với Ukraine.

Xe tải hạng nhẹ Mitsubishi Type 73, một phương tiện được sử dụng rộng rãi bởi Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF), nổi bật với thiết kế bền bỉ và tính đa dụng cao. Được chế tạo để hoạt động trong điều kiện địa hình khắc nghiệt, xe tải hạng nhẹ Mitsubishi Type 73 rất phù hợp cho vận chuyển binh sĩ, trinh sát, sơ tán y tế và hỗ trợ hậu cần.

Lấy cảm hứng từ các thiết kế xe quân sự của Mỹ như Humvee và Jeep, xe tải hạng nhẹ Mitsubishi Type 73 sở hữu hệ thống dẫn động bốn bánh mạnh mẽ, động cơ diesel có độ bền cao và khả năng tùy biến linh hoạt, khiến nó trở thành một tài sản giá trị cho lực lượng vũ trang Ukraine.

Trong bối cảnh chiến tranh hiện đại, nơi hậu cần và khả năng cơ động quan trọng không kém hỏa lực, những chiếc xe này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các chiến dịch ở tiền tuyến và mở rộng phạm vi hoạt động của Ukraine.

Tác động của sự hỗ trợ quân sự từ Nhật Bản không chỉ giới hạn trên chiến trường. Động thái này thể hiện sự gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa Nhật Bản và các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong việc đối phó với Liên bang Nga đưa quân vào Ukraine. Nhật Bản đã nhiều lần lên án hành động này của Liên bang Nga và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt cùng với các đồng minh phương Tây.

Tuy nhiên, việc cung cấp trang thiết bị quân sự, dù chỉ mang tính phi sát thương, vẫn được coi là một bước leo thang trong mức độ can dự của Nhật Bản. Điều này phản ánh sự điều chỉnh chiến lược trong chính sách quốc phòng của Tokyo, vốn truyền thống tập trung vào phòng vệ thay vì can thiệp quân sự ở nước ngoài.

Bằng cách hỗ trợ Ukraine, Nhật Bản không chỉ thể hiện tình đoàn kết mà còn đang thử nghiệm một vai trò chủ động hơn trong các vấn đề an ninh toàn cầu. Sự thay đổi này phù hợp với tầm nhìn rộng lớn hơn của Thủ tướng Fumio Kishida, nhằm củng cố năng lực quốc phòng của Nhật Bản và tăng cường hợp tác với NATO cũng như với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Chú thích ảnh
Thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 4/2/2025 về việc cung cấp 6 xe tải hạng nhẹ Mitsubishi Type 73 cho Ukraine. Ảnh chụp màn hình tài khoản X của Bộ Quốc phòng Nhật Bản

Dù có quy mô tương đối khiêm tốn, nhưng đóng góp của Nhật Bản lại đến vào thời điểm quan trọng. Ukraine đang phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ từ phương Tây, với việc Mỹ, Anh và các quốc gia châu Âu liên tục cung cấp vũ khí, xe bọc thép và hỗ trợ hậu cần cho Ukraine.

Việc bổ sung xe tải hạng nhẹ Mitsubishi Type 73, dù không phải là yếu tố thay đổi cục diện chiến trường, nhưng vẫn giúp Ukraine cải thiện khả năng cơ động của binh sĩ, phân phối hậu cần và sơ tán y tế. Trong bối cảnh của một cuộc chiến tiêu hao, nơi các tuyến tiếp tế luôn bị đe dọa, những phương tiện hỗ trợ như thế này có thể đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì lực lượng Ukraine trên nhiều mặt trận.

Quyết định gửi những phương tiện này cũng đặt ra câu hỏi về định hướng tương lai của chính sách quốc phòng Nhật Bản. Trong lịch sử, Tokyo đã tuân thủ chặt chẽ Hiến pháp Hòa bình, giới hạn xuất khẩu khí tài quân sự và triển khai lực lượng ra nước ngoài.

Tuy nhiên, những biến động khu vực và toàn cầu gần đây cho thấy Nhật Bản đang đối mặt với một bối cảnh an ninh ngày càng phức tạp và lập trường nêu trên của Nhật Bản đối mặt với thách thức lớn.

Việc gửi xe quân sự đến Ukraine có thể là bước khởi đầu cho một chiến lược quốc phòng linh hoạt và quyết đoán hơn, cho phép Nhật Bản tham gia tích cực hơn vào các cơ chế an ninh tập thể. Nếu xu hướng này tiếp tục, có thể Tokyo sẽ đóng vai trò rõ ràng hơn trong các nỗ lực viện trợ quân sự quốc tế trong tương lai.

Mặc dù xe tải hạng nhịe Mitsubishi Type 73 không phải là vũ khí tấn công, nhưng giá trị biểu tượng và chiến lược của chúng không thể bị đánh giá thấp. Động thái này đánh dấu sự phá vỡ những rào cản chính sách lâu đời, đồng thời phản ánh sự thay đổi trong cách tiếp cận của Nhật Bản đối với an ninh toàn cầu, nhưng nó có thể sẽ gặp phải những phản ứng trái chiều trong nước.

Trong khi một số người xem đây là bước đi cần thiết để hỗ trợ các đồng minh dân chủ thì những người khác có thể lo ngại về việc Nhật Bản dần rời xa các nguyên tắc hòa bình đã được duy trì từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Cuộc tranh luận trong nước về chính sách quân sự của Nhật Bản có khả năng sẽ trở nên gay gắt hơn khi môi trường an ninh toàn cầu tiếp tục thay đổi.

Khi Ukraine tích hợp những phương tiện này vào hệ thống hậu cần của mình, những tác động sâu rộng hơn từ quyết định của Nhật Bản sẽ dần trở nên rõ ràng. Những chiếc xe tải này chắc chắn sẽ đóng vai trò thực tiễn trong việc nâng cao khả năng cơ động và hiệu quả chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của chúng nằm ở điều mà chúng đại diện - một sự thay đổi trong tư thế quốc phòng của Nhật Bản và sự sẵn sàng ngày càng tăng trong việc thực hiện các hành động cụ thể nhằm hỗ trợ ổn định toàn cầu.

Khi các liên minh quốc tế tiếp tục củng cố trước những mối đe dọa mới, vai trò của Nhật Bản trong cấu trúc an ninh toàn cầu đang trên đà chuyển đổi. Liệu đây chỉ là một ngoại lệ tạm thời hay là khởi đầu cho một giai đoạn mới trong chiến lược quốc phòng của Nhật Bản vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải.

Điều chắc chắn là quyết định của Nhật Bản trong việc gửi các phương tiện quân sự đến Ukraine không đơn thuần chỉ là một cử chỉ mang tính hậu cần - đây là một tuyên bố về ý định, báo hiệu khả năng mở ra một kỷ nguyên mới trong cách tiếp cận của Nhật Bản đối với an ninh quốc tế.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Bulgarianmilitary)
Ukraine trở thành nước đầu tiên sử dụng một loại vũ khí đặc biệt nguy hiểm trên chiến trường
Ukraine trở thành nước đầu tiên sử dụng một loại vũ khí đặc biệt nguy hiểm trên chiến trường

Ukraine đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng bom Mk-83 nặng 1.000 pound được cải tiến với bộ dẫn đường JDAM-ER, gây ra sức tàn phá lớn khi tấn công mục tiêu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN