Trong số các ca tử vong mới, có 91 ca là ở tỉnh Hồ Bắc, 2 ca ở An Huy, các tỉnh Hắc Long Giang, Nam Xương, Hải Nam và Cam Túc ghi nhận mỗi địa phương một trường hợp. Như vậy, tổng số trường hợp tử vong do virus nCoV tại Trung Quốc đã lên tới 908 người trong khi số ca nhiễm lên tới 40.171.
Ngoài Trung Quốc đại lục, đến sáng cùng ngày ghi nhận 382 trường hợp nhiễm bệnh và 2 ca tử vong tại 28 nước và vùng lãnh thổ. Tính trên phạm vi toàn cầu, số người mắc bệnh là 40.553 và 910 người đã tử vong, trong đó có 27 người nước ngoài tại Trung Quốc đã nhiễm 2019-nCoV, bao gồm cả 2 ca tử vong. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, 2 ca tử vong là một công dân Mỹ vào ngày 6/2 và một công dân Nhật Bản vào ngày 8/2. Trong số những ca nhiễm, có 3 người đã khỏi bệnh và được ra viện.
Tại khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), số ca nhiễm đã tăng lên 36 trường hợp, sau khi 9 thành viên trong 1 gia đình có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng virus này. Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận ca thứ 18 nhiễm bệnh.
Ngoài Trung Quốc, Singapore công bố thêm 2 trường hợp nhiễm 2019-nCoV, nâng tổng số ca nhiễm tại "Quốc đảo Sư tử" lên con số 45. Bộ trên cho biết đến thời điểm này đã có tổng cộng 7 bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV khỏi bệnh và xuất viện. Tuy nhiên, số bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch cũng đã tăng lên 7 người.
Tại Nhật Bản, thêm 66 hành khách trên du thuyền "Diamond Princess", chở 3.700 khách đang bị cách ly tại nước này, có kết quả dương tính với chủng mới của virus corona sau khi được xét nghiệm. Tính đến nay, tổng cộng 136 người trên du thuyền được xác nhận nhiễm nCoV.
Trong khi đó, các nước khác tại châu Á-châu Đại Dương bao gồm cả Thái Lan ghi nhận 32 ca nhiễm, Hàn Quốc - 27 ca, Nhật Bản - 25 ca, Malaysia - 18 ca, Ấn Độ và Philippines - mỗi nước 3 bệnh nhân. Các nước Nepal, Sri Lanka và Campuchia - mỗi nước 1 ca. Riêng tại Australia, số bệnh nhân ghi nhận là 15 ca.
Tại châu Âu, 14 ca nhiễm bệnh tại Đức, 11 ca tại Pháp, 8 ca tại Anh 3 ca tại Italy, Nga và Tây Ban Nha ghi nhận 2 trường hợp. Các nước Phần Lan, Thụy Điển và Bỉ - mỗi nước 1 bệnh nhân.
Tại Bắc Mỹ, nước Mỹ ghi nhận tổng cộng 12 ca và Canada xác nhận 7 ca nhiễm bệnh. Tại Trung Đông, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) xác nhận 7 ca nhiễm virus.
Trong nỗ lực nhằm kiểm soát dịch bệnh, Trung Quốc đã phát động chiến dịch hỗn hợp nhằm trấn áp các hành động vi phạm lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã. Chiến dịch trên sẽ do các cơ quan của chính phủ về quản lý thị trường, công an, nông nghiệp, hải quan, kiểm lâm phối hợp thực hiện.
Hồi cuối tháng 1, chính quyền Trung Quốc đã thông báo cấm buôn bán động vật hoang dã trên cả nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của nCoV, vốn bị nghi là có liên quan đến động vật hoang dã. Mọi hình thức buôn bán động vật hoang dã bị cấm nghiêm ngặt tại các khu chợ, siêu thị, nhà hàng và các trang thương mại điện tử. Tất cả các điểm bày bán động vật hoang dã sẽ bị cách ly kiểm dịch. Những đối tượng vi phạm sẽ bị xử phạt, và đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng, các nghi can sẽ được giao cho cảnh sát điều tra hình sự.
Trong một diễn biến liên quan, Trung Quốc đã thiết lập 361 đường dây nóng hỗ trợ tâm lý để cung cấp các hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh lây lan.
Nhằm ngăn chặn virus 2019-nCoV lây lan, các nhà điều hành xe buýt và tàu điện ngầm ở Bắc Kinh cho biết sẽ tăng tần suất hoạt động, hạn chế số lượng hành khách trong giờ cao điểm và tích cực thực hiện các biện pháp khử trùng. Hiện Công ty vận tải công cộng Bắc Kinh đã mở các tuyến xe buýt đặc biệt gần các ga đường sắt và tăng tần suất các tuyến xe buýt có lượng hành khách cao để hạn chế tình trạng quá tải. Ngoài ra, công ty cũng tiến hành khử trùng hơn 22.000 xe buýt, taxi và xe ô tô điện mỗi ngày. Các hãng điều hành tàu điện ngầm cho biết sẽ tạm thời tăng số chuyến và giới hạn số hành khách trên mỗi chuyến tàu.
Thành phố Bắc Kinh đang chuyển sang sử dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Một vài công ty công nghệ của Trung Quốc đã phát triển các ứng dụng giúp mọi người kiểm tra liệu họ có đi cùng chuyến bay hay chuyến tàu với những người được xác định là nhiễm bệnh hay không, bằng cách lấy dữ liệu trên các danh sách được các phương tiện truyền thông nhà nước đăng tải.
Tại Bắc Kinh, hệ thống có sử dụng công nghệ tia hồng ngoại phát hiện khuôn mặt có nghĩa là tự động chụp ảnh khuôn mặt của mỗi hành khách, do Tập đoàn Baidu phát triển, đã được lắp đặt tại nhà ga tàu hỏa Qinghe. Nếu một người có thân nhiệt từ 37,3 độ C trở lên, hệ thống này sẽ lên tiếng báo động, khiến nhân viên nhà ga đo lại thân nhiệt người này. Theo Baidu, hệ thống này có thể kiểm tra hơn 200 người/phút, nhanh hơn nhiều so với máy quét thân nhiệt được sử dụng tại các sân bay. Một hệ thống tương tự do Megvii, một công ty về AI phát triển, đang được sử dụng tại nhà ga tàu điện ngầm ở thủ đô Bắc Kinh.
Tại Singapore, 200 cảnh sát đã được triển khai tới các cơ sở cách ly do chính phủ thiết lập để bảo đảm duy trì trật tự, kiểm tra và giám sát những người trong diện theo dõi, tránh tình trạng không tuân thủ quy định.
Bộ Y tế Singapore đánh giá nguy cơ bệnh dịch nCoV lây nhiễm tại các địa điểm và phương tiện công cộng hiện vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, sau khi có 2 trường hợp lái xe taxi và xe dịch vụ nhiễm bệnh, Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore đã quyết định trang bị tổng cộng 300.000 khẩu trang cho các lái xe và thiết lập các trạm kiểm tra nhiệt độ.
Trong khi đó, Chính phủ Nga giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành xây dựng dự trữ chiến lược đối với khẩu trang y tế trong trường hợp virus 2019-nCoV lây lan ở Nga. Theo phân công của Thủ tướng Mikhail Mishutin, Cơ quan Giám sát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng LB Nga thực hiện tính toán số lượng phương tiện bảo vệ cá nhân, bao gồm cả khẩu trang y tế, Cơ quan Dự trữ, Bộ Tài chính và Bộ Công thương Nga nghiên cứu và đề xuất với chính phủ kiến nghị chung về loại, số lượng và giá khẩu trang đưa vào dự trữ quốc gia.
Liên quan đến công tác điều chế vaccine phòng virus 2019-nCoV, các nhà khoa học trên thế giới từ Mỹ tới Australia đang áp dụng công nghệ mới trong các dự án đầy tham vọng trị giá hàng triệu USD để điều chế vaccine trong thời gian kỷ lục.
Thông thường, một vaccine trước khi được đưa vào sử dụng phải mất nhiều năm và liên quan tới một tiến trình kéo dài như thử nghiệm trên động vật, thử nghiệm lâm sàng ở người và phải được sự thông qua của cơ quan quản lý dược phẩm. Hiện một số nhóm khoa học đang chạy đua với thời gian để phát triển nhanh hơn vaccine phòng chống virus 2019-nCoV với sự hỗ trợ của Liên minh Sáng kiến phòng chống dịch bệnh (CEPI). Các nhà khoa học Australia hy vọng vaccine của họ có thể sẵn sàng cho sử dụng trong vòng 6 tháng tới. Tuy nhiên, khung thời gian này của các nhà khoa học Australia vẫn bị coi là tiến độ chậm trong bối cảnh virus 2019-nCoV mỗi ngày làm gần 100 người thiệt mạng tại Trung Quốc đại lục.
Trong khi hiện vẫn chưa có vaccine phòng chống virus 2019-nCoV, một số bác sỹ đang áp dụng phương pháp điều trị kết hợp giữa thuốc ARV (có tác dụng ức chế sự phát triển của virus HIV trong cơ thể) và thuốc cúm. Tuy nhiên, khoa học chưa xác định rõ liệu phương thức điều trị này có mang lại hiệu quả hay không.
Thêm một thông tin tích cực trong điều trị bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV, Thứ trưởng Bộ Y tế Malaysia Lee Boon Chye thông báo bệnh nhân thứ tư mắc bệnh này tại Malaysia đã bình phục sau khi được điều trị bằng Kaletra - một loại thuốc ức chế Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Thứ trưởng Lee nhấn mạnh dù đạt được thành công nói trên, song chỉ với một trường hợp đơn lẻ này tại Malaysia vẫn chưa thể khẳng định được tính hiệu quả của Kaletra. Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Malaysia sẽ tiếp tục nghiên cứu các trường hợp tương tự tại những quốc gia khác, nhất là Trung Quốc, trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về công dụng của Kaletra.