Phát biểu trước báo giới ngày 9/2, Thứ trưởng Lee nhấn mạnh dù đạt được thành công nói trên, song chỉ với một trường hợp đơn lẻ này tại Malaysia vẫn chưa thể khẳng định được tính hiệu quả của Kaletra. Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Malaysia sẽ tiếp tục nghiên cứu các trường hợp tương tự tại những quốc gia khác, nhất là Trung Quốc, trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về công dụng của Kaletra.
Ca nhiễm nCoV thứ tư nói trên tại Malaysia là một người đàn ông 40 tuổi đến từ Trung Quốc. Trường hợp này được phát hiện mắc bệnh hôm 24/1 với các triệu chứng sốt cao và viêm phổi. Sau khi nhập viện một ngày, tình trạng bệnh nhân chuyển biến xấu, phải dùng đến máy thở ô-xy. Đến ngày thứ tư, hình ảnh X-quang vùng ngực cho thấy tình trạng bệnh trở nặng. Hôm 28/1, bệnh viện tại bang Johor bắt đầu điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc Kaletra. Sau 8 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân dần được cải thiện và hồi phục.
Trước đó, các bác sĩ ở Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc cũng đã sử dụng thuốc điều trị HIV cho các bệnh nhân nhiễm 2019- nCoV tại Bắc Kinh, dựa trên kết quả nghiên cứu được thực hiện trong đợt bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) trước đây. Triệu chứng viêm phổi của những bệnh nhân này đều thuyên giảm rõ rệt, thậm chí một số ca bệnh còn cho kết quả âm tính với nCoV.
Kaletra vốn là loại thuốc chuyên điều trị cho các bệnh nhân HIV/AIDS. Loại thuốc này ngăn chặn virus phát triển bằng cách ức chế enzyme phân giải protein cần thiết cho sự sinh sôi của virus. Vẫn còn sớm để kết luận loại thuốc này cũng có thể điều trị nCoV, song một số chuyên gia đã công nhận hiệu quả của thuốc.