Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 21/12: Thế giới vượt 77 triệu ca bệnh; EU họp khẩn về biến thể của virus

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 521.000 ca bệnh COVID-19 và trên 7.600 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 77 triệu ca, trong đó trên 1,69 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 171.000 ca), Anh (35.928 ca) và Nga (28.948 ca). 

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.351 ca), Mexico (627 ca) và Nga (511 ca). 

CDC Mỹ ra khuyến cáo với những người bị dị ứng với vaccine

Chú thích ảnh
Tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 cho tình nguyện viên tại Detroit, bang Michigan, Mỹ ngày 5/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) cho biết đang theo dõi báo cáo về các trường hợp dị ứng với vaccine ngừa COVID-19, đồng thời đưa ra khuyến cáo đối với những người có tiền sử dị ứng.

Theo CDC, bất kỳ ai có phản ứng nghiêm trọng với vaccine ngừa COVID-19 không nên tiêm liều thứ hai, đồng thời định nghĩa tình trạng dị ứng nghiêm trọng là cần phải sử dụng epinephrine hoặc điều trị tại bệnh viện. CDC nêu rõ người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vaccine ngừa COVID-19 cũng phải tránh các loại vaccine có công thức sử dụng các thành phần này.

Mỹ đã phê duyệt quyền sử dụng khẩn cấp đối với 2 vaccine ngừa COVID-19 do Moderna và Pfizer/BioNTech sản xuất. Những người có tiền sử dị ứng mạnh với vaccine cần phải tham khảo với bác sĩ trước khi tiêm vaccine. Trong khi đó, những người dị ứng nặng với thực phẩm, vật nuôi và các điều kiện môi trường, hay những người dị ứng với uống thuốc, hoặc trong gia đình có người từng dị ứng nặng vẫn có thể tiêm vaccine.

Mỹ đã triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer/BioNTech sản xuất trong tuần này. Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đang điều tra 5 trường hợp bị dị ứng sau khi tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech. FDA cũng khuyến cáo không nên tiêm vaccine của Moderna cho những người từng có phản ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Cùng ngày, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã thông qua việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do Moderna sản xuất cho các phi công và nhân viên kiểm soát không lưu. FAA nêu rõ phi công và nhân viên kiểm soát không lưu không được phép bay hoặc thực hiện các nhiệm vụ an toàn liên quan trong 48 giờ sau khi tiêm. Cơ quan này sẽ theo dõi phản ứng của bệnh nhân đối với mỗi lần tiêm và có thể điều chỉnh chính sách để đảm bảo an toàn hàng không.

WHO kêu gọi các nước châu Âu tăng cường hành động

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Walthamstow, đông bắc London, Anh ngày 15/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 20/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước thành viên ở châu Âu tăng cường các biện pháp đối phó với đại dịch, trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Anh, Đan Mạch, Hà Lan và Australia có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn tới 70% so với chủng gốc. 

Theo WHO, ngoài Anh, Đan Mạch ghi nhận 9 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là VUI-2020/12/01, Hà Lan đã ghi nhận 1 ca và Australia ghi nhận 1 ca nhiễm biễn thể này. WHO nhấn mạnh tại châu Âu - nơi tỷ lệ lây nhiễm lớn và trên diện rộng, các nước cần tăng cường nỗ lực khống chế và ngăn chặn dịch bệnh. 

WHO cho biết đang liên lạc chặt chẽ với nhà chức trách Anh về biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Trên mạng Twitter, WHO nêu rõ giới chức Anh sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu và phân tích hiện nay với tổ chức này. WHO sẽ cập nhật tới các nước thành viên và người dân về đặc tính và ảnh hưởng của biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson và các nhà khoa học đánh giá biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh có khả năng lây nhiễm nhanh hơn tới 70%, nhưng không dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn và vaccine vẫn sẽ hoạt động hiệu quả với biến thể mới. 

EU họp khẩn cấp về biến thể mới của virus

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga quốc tế ở London, Anh, ngày 20/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Các chuyên gia y tế Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/12 đã nhóm họp để thảo luận về loại biến thể mới của virus SARS-CoV-2. 

Theo kế hoạch, đại diện các nước EU sẽ nhóm họp khẩn cấp trong ngày 21/12 để thảo luận đưa ra cách phản ứng chung với mối đe dọa mới. Trong ngày 20/12, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã tiến hành điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel để thảo luận về biến thể mới phát hiện ở Anh.

Trong khi đó, nhiều nước EU như Hà Lan, Đức, Bỉ, Italy, Pháp, Ailen, Bulgaria, Séc,... đã cấm các máy bay từ Anh nhằm ngăn ngừa nguy cơ biến thể mới của virus có thể thâm nhập vào các nước.

Hà Lan ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất 

Hà Lan thông báo nước này đã ghi nhận thêm 13.032 trường hợp mắc COVID-19 - mức cao nhất từ trước tới nay, vượt mức kỷ lục 12.779 ca ghi nhận ngày 17/12. 

Số ca nhiễm mới tại Hà Lan vẫn không ngừng tăng, bất chấp các biện pháp hạn chế mới mà chính phủ nước này áp đặt ngày 14/12 vừa qua, trong đó có đóng cửa các trường học và cửa hàng.

Hàn Quốc ghi nhận 5 ngày liên tiếp số ca nhiễm mới vượt 1.000  

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 16/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 20/12, Hàn Quốc ghi nhận thêm 1.097 ca mắc COVID-19 - mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại nước này. Đây cũng là ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc vượt 1.000 ca. 

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong số 1.097 ca mắc mới, có 1.072 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đáng chú ý, số ca nhiễm tại ổ dịch mới bùng phát tại một nhà tù phía Đông Nam thủ đô Seoul đã lên tới 215 người, bao gồm cả quản giáo và phạm nhân. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak - hiện đang bị giam giữ tại nhà tù này sau khi bị buộc tội tham nhũng - đã có kết quả xét nghiệm âm tính.

Tính đến nay, tổng số người mắc COVID-19 tại Hàn Quốc là 49.665 người, trong đó 674 người tử vong. 

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc chưa có dấu hiệu chậm lại, Bộ trưởng Y tế nước này Park Neunghoo kêu gọi người dân kiên nhẫn tuân thủ các hướng dẫn y tế của chính phủ. Ông cho biết hiện chính phủ chưa sẵn sàng nâng cấp độ giãn cách xã hội lên mức cao nhất (mức 3) do quan ngại hoạt động kinh doanh bị đình trệ, gây ảnh hưởng tới nền kinh tế. Nếu phải áp đặt giãn cách xã hội ở mức cao nhất, chính phủ sẽ tính tới các biện pháp cho phép người dân duy trì cuộc sống thường ngày, trong đó có việc mua các nhu yếu phẩm cần thiết và gặp gỡ không quá 5 người. Theo Bộ trưởng Neunghoo, việc tăng cường xét nghiệm COVID-19 đối với những người không có triệu chứng có thể làm chậm đà lây lan của dịch bệnh.  

Hàn Quốc đang áp dụng giãn cách xã hội tại khu vực thủ đô Seoul ở mức 2,5 và các tỉnh, thành còn lại ở mức 2. Số ca nhiễm đang ngày một tăng kéo theo quan ngại các cơ sở y tế của Hàn Quốc có thể rơi vào tình trạng quá tải, thiếu giường bệnh. Ngày 18/12, giới chức y tế nước này đã yêu cầu các bệnh viện tư đảm bảo nhiều giường hơn tại khoa hồi sức tích cực dành cho bệnh nhân COVID-19. 

Nhật Bản: Số ca nhiễm mới theo tháng tại Tokyo lần đầu vượt 10.000 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Với 556 ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua, lần đầu tiên tổng số ca nhiễm trong 1 tháng tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản vượt 10.000 người. Cụ thể, tổng số ca nhiễm mới từ đầu tháng 12 này tính đến ngày 20/12 tại Tokyo là 10.507 người, cao hơn tổng số 9.857 ca nhiễm mới trong cả tháng 11- cũng là mức cao kỷ lục. Tính đến nay tổng số ca nhiễm tại Nhật Bản là 51.446 trường hợp.

Trước đó, ngày 17/12, khi số ca nhiễm mới ở Tokyo ghi nhận mức cao kỷ lục 822 ca, chính quyền thủ đô đã lần đầu tiên nâng mức cảnh báo đối với hệ thống y tế lên cấp độ 4 - mức cao nhất. Thống đốc Tokyo Yuriko Koike đã hối thúc người dân tăng cường thực thi các biện pháp chống dịch trong kỳ nghỉ lễ cuối năm và đón Năm Mới.

Thái Lan xét nghiệm trên 10.000 người 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Samut Sakhon, Thái Lan, ngày 19/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Một ngày sau khi ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới lên tới trên 500 người - mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch, giới chức Thái Lan ngày 20/12 thông báo nước này sẽ tiến hành xét nghiệm đối với trên 10.000 người. 

Phát biểu với báo giới, ông Taweesin Wisanuyothin, người phát ngôn lực lượng đặc nhiệm phòng, chống COVID-19 của Thái lan cho biết nhà chức trách đặt mục tiêu đến ngày 23/12 sẽ xét nghiệm được 10.300 người ở tỉnh Samut Sakhon - nơi ổ dịch mới xuất hiện, cũng như các tỉnh lân cận, trong đó có Samut Songkhram và Nakhon Pathom. Theo ông, nhà chức trách sẽ tiếp tục tiến hành xét nghiệm để phát hiện các ca nhiễm mới tại một số tỉnh, thậm chí trên cả nước. 

Trong những tháng qua, Thái Lan - nước đầu tiên ngoài Trung Quốc ghi nhận các ca mắc COVID-19 -  đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, với 4.907 ca mắc và 60 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, ngày 19/12, nước này thông báo ghi nhận 516 ca nhiễm mới là lao động nhập cư tại tỉnh Samut Sakhon, trong đó 90% không có triệu chứng. Ngày 20/12, nước này ghi nhận thêm 576 ca nhiễm mới, trong đó có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng tại thủ đô Bangkok và tỉnh Samut Sakhon. Hầu hết lao động nhập cư tại tỉnh Samut Sakhon đến từ Myanmar.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Samut Sakhon, Thái Lan, ngày 19/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế công cộng Thái Lan cho biết hiện đã phong tỏa gần như toàn bộ tỉnh Samut Sakhon, chỉ trừ các trường hợp thực sự cần thiết. Nhà chức trách địa phương đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ 22h00' đêm hôm trước đến 5h00' sáng hôm sau, cùng các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại, từ ngày 19/12/2020 - 3/1/2021. Các trường học, sân vận động phải tạm đóng cửa, trong khi các cửa hàng tiện lợi cũng phải đóng cửa trong thời gian giới nghiêm. Các nhà hàng chỉ được phép bán đồ ăn mang đi. Bên cạnh đó, người dân ở tỉnh Samut Sakhon cũng không được phép ra khỏi tỉnh trong thời gian phong tỏa, và không có lao động nhập cư hoặc người nước ngoài nào được đến tỉnh này.

Trước đó, ngày 17/12, Chính phủ Thái Lan đã công bố trường hợp lây nhiễm cộng đồng là một phụ nữ bán buôn tôm tại một chợ đầu mối tỉnh Samut Sakhon. Theo thông tin dịch tễ, người phụ nữ trên chưa ra khỏi Thái Lan và nguồn lây nhiễm chưa được xác định. Ngày 18/12, ba người tiếp xúc gần với ca nhiễm trên gồm chị gái, mẹ ruột và chị chồng có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó, nhà chức trách đã khẩn trương tiến hành xét nghiệm người nhập cư và công dân Thái tại tỉnh Samut Sakhon. 

Bộ trưởng Bộ Y tế công cộng Thái Lan Anutin Charnvirakul cho rằng ổ dịch trên có thể bắt nguồn từ lao động nhập cư bất hợp pháp từ biên giới Myanmar vào tỉnh Samut Sakhon. Tỉnh này cách Bangkok khoảng 1 giờ lái xe và là một trung tâm đánh bắt hải sản với hàng chục nghìn lao động nhập cư từ các nước trong khu vực.

Campuchia tăng cường đảm bảo an toàn biên giới 

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia, ngày 2/9. Ảnh: THX/TTXVN

Trước tình hình dịch bệnh tại Thái Lan, ngày 20/12, Chính phủ Campuchia đã yêu cầu nhà chức trách địa phương tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn dọc biên giới. Tỉnh Samut Sakhon của Thái Lan nằm cách biên giới Campuchia khoảng 300 km. 

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng cho biết lực lượng chức năng các tỉnh biên giới Thái Lan sẽ phải đặt trong trạng thái cảnh giác cao, đồng thời sẽ tiến hành kiểm tra y tế đối với tất cả những người nhập cảnh, đo thân nhiệt và yêu cầu những người nhập cảnh điền khai báo y tế.

Hiện tất cả du khách nhập cảnh Campuchia đều phải thực hiện 14 ngày cách ly bắt buộc và lấy mẫu xét nghiệm ngay trong ngày nhập cảnh. 

Campuchia không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong 5 ngày qua. Thống kê cho thấy, tính đến nay, nước này đã có tổng cộng 362 trường hợp mắc COVID-19, trong đó không có trường hợp nào tử vong và 345 người đã bình phục.

Singapore điều tra các ca nhiễm liên quan một khách sạn

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 6/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Singapore, nhà chức trách đang điều tra 13 ca "nhập khẩu" để tìm ra mối liên hệ giữa các nhiễm này. 

Bộ Y tế Singapre đã phải mở cuộc điều tra sau khi xét nghiệm các ca "nhập khẩu" từ ngày 2-11/11 cho thấy họ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 có cùng một chủng gien dù tới từ nhiều nước khác nhau. Điều này chứng tỏ họ các ca này có thể có chung nguồn gốc lây nhiễm. Kết quả điều tra cho thấy họ đều từng cách ly tại khách sạn Mandarin Orchard trong thời gian từ ngày 22/10-11/11. Để phòng ngừa, khách sạn đã ngừng tiếp nhận khách, đóng cửa nhà hàng và khu vực tổ chức sự kiện. Trước đó, những người nằm trong diện cách ly đều được bố trí ở khu vực riêng, tách biệt với những khách còn lại.

Australia: Sydney áp dụng các biện pháp hạn chế mới

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Sydney, Australia,ngày 18/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 20/12, thành phố Sydney tại bang New South Wales (NSW) của Australia đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế, sau khi số ca nhiễm liên quan đến ổ dịch COVID-19 tại các khu vực bờ biển phía Bắc tiếp tục tăng.

Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian thông báo các cuộc tụ tập đông người tại thành phố Sydney sẽ bị hạn chế, trong đó hoạt động tụ họp trong gia đình giới hạn ở mức 10 người, các sự kiện ăn uống và tôn giáo chỉ được phép có 300 người tham gia. Tại các khu vực có không gian kín, mọi người phải tuân thủ giãn cách. Cảnh sát sẽ tăng cường hiện diện để đảm bảo người dân tuân thủ quy định. Bà Berejiklian kêu gọi người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng, dù điều này không bắt buộc. Ước tính 25% cư dân Sydney đang sinh sống tại khu ngoại ô ven biển phía Bắc sẽ phải tuân thủ lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đến Đêm Giáng sinh.

Tối 19/12, bang NSW ghi nhận thêm 30 ca nhiễm mới trong cộng đồng, trong số này có 28 ca liên quan đến ổ dịch tại khu vực Avalon của Sydney. Nhà chức trách đang điều tra nguồn gốc lây nhiễm của 2 ca còn lại. Cả 2 người này đều sinh sống tại các vùng biển phía Bắc. Giới chức y tế bang NSW cho hay hơn 28.200 xét nghiệm đã được thực hiện trong 24 giờ qua, đồng thời kêu gọi thêm người dân đi xét nghiệm. Hiện chưa rõ nguồn gốc virus tại Sydney. Xét nghiệm gene cho thấy chủng virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 này có nguồn gốc từ Mỹ.

Dự kiến bang láng giềng Victoria sẽ đóng cửa ranh giới với Sydney từ đêm 20/12.  Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews nêu rõ biện pháp này nhằm duy trì chuỗi 51 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng tại đây. Trong khi đó, bang South Australia áp đặt cách ly 14 ngày đối với tất cả những người tới từ Sydney từ ngày 20/12 và cấm du khách tới từ các khu vực bị ảnh hưởng.

Bang Tasmania đã có bước đi tương tự vào ngày 19/12, trong khi bang Western Australia đã cho đóng cửa ranh giới.

Trước đó, Australia đã trải qua 2 tuần không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng và dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế trước thềm Giáng sinh. Các biện pháp hạn chế mới sẽ kế hoạch đi lại của người dân trong dịp Giáng sinh bị gián đoạn. Australia có tổng cộng 27.182 ca mắc và 908 ca tử vong do COVID-19.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Anh duy trì biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn để phòng COVID-19
Anh duy trì biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn để phòng COVID-19

Người dân thủ đô London và Đông Nam vùng England của Vương quốc Anh sẽ vẫn phải thực thi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn trong một thời gian và việc hủy kế hoạch nới lỏng hạn chế dịp Giáng sinh là cần thiết để khống chế sự lây lan nhanh chóng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuyên bố trên được Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đưa ra ngày 20/12 khi trả lời phỏng vấn của Sky News.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN