Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (275.306 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (55.802 ca) và Mỹ (trên 42.200 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (1.625 ca), Brazil (1.446 ca) và Mexico (535 ca).
Như vậy, Ấn Độ đã đứng đầu thế giới xét về cả số ca mắc và tử vong mới hàng ngày. Xét về tổng số ca từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn đứng đầu với trên 32 triệu ca mắc.
Châu Á
Ấn Độ lại lập kỷ lục về số ca nhiễm mới
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao nhất kể từ đầu dịch, với 275.306 ca, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 15 triệu ca. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tại nước này cũng tăng 1.625 ca lên 178.793 ca.
Trong một tuyên bố, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết số ca mắc và tử vong do COVID-19 ở nước này đang tăng ở mức "đáng báo động". Đáng chú ý, thủ đô New Delhi và bang Maharashtra đều ghi nhận số ca mắc mới tăng kỷ lục, lần lượt ở mức 24.375 ca và 67.123 ca.
Như một biện pháp phòng ngừa, chính quyền New Delhi đã yêu cầu cách ly tại nhà 14 ngày bắt buộc đối với những người trở về từ lễ hội tôn giáo Kumbh Mela ở Haridwar, bang Uttarakhand. Những người vi phạm sẽ phải đối mặt với các biện pháp pháp lý.
Trước đó, tối 17/4, Thủ tướng Narendra Modi đã chủ trì cuộc họp cấp cao để đánh giá tình hình dịch COVID-19, trong đó ông nhấn mạnh các bang cần phải tập trung vào việc xét nghiệm, theo dõi và điều trị. Ngoài ra, cần thực hiện tất cả biện pháp cần thiết để nâng cao khả năng cung cấp giường cho bệnh nhân COVID-19, trong đó có việc xây dựng các bệnh viện và trung tâm cách ly tạm thời.
Hiện nay, với sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc, hệ thống y tế của Ấn Độ ở nhiều bang và thành phố đang phải chịu sức ép lớn. Maharashtra, Delhi, Madhya Pradesh và các bang có dịch bệnh lây lan mạnh, đang phải đối mặt với những vấn đề như thiếu thiết bị trợ thở, giường ICU (hồi sức cấp cứu) và thuốc Remdesivir. Chính phủ Ấn Độ đã khuyến cáo người dân nên ở nhà để phá vỡ chuỗi lây nhiễm của virus SARS CoV-2. Các chuyên gia cũng kêu gọi người dân tuân thủ các quy định về phòng chống COVID-19 phù hợp như đã từng thực hiện trong thời gian đại dịch bùng phát hồi năm ngoái để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Số ca mắc mới ở Campuchia tăng báo động
Số liệu do Bộ Y tế Campuchia công bố sáng 18/4 cho thấy số ca mắc mới COVID-19 ở nước này đang tăng ở mức báo động, với 618 ca ghi nhận trong 24 giờ qua, tất cả đều do lây nhiễm cộng đồng.
Theo trong ngày thứ 4 áp đặt lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội, số ca mắc mới COVID-19 ở Campuchia chủ yếu ghi nhận ở thủ đô Phnom Penh (493 ca), tiếp đến là các tỉnh Sihanoukville (75 ca) và Kandal (31 ca). Các ca còn lại ghi nhận rải rác ở Svay Rieng, Prey Veng, Kampong Speu, Takeo và Kampong Cham.
Tính tổng cộng, Campuchia có 6.389 ca mắc COVID-19, trong đó có 43 ca tử vong - tăng 2 ca so với một ngày trước đó.
Chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh đang bị tạm dừng 3 ngày trong bối cảnh nhiều nhân viên y tế không thể đi tới các điểm tiêm chủng do tình trạng phong tỏa. Campuchia đã tiêm vaccine cho khoảng 1,24 triệu người trên cả nước.
Trong khi đó, đêm 17/4, chính quyền Đô thành Phnom Penh quyết định đóng cửa khu chợ Doeum Kor, đầu mối phân phối rau quả lớn của thủ đô trong vòng 2 tuần sau khi phát hiện khoảng 100 tiểu thương và nhân viên bảo vệ của chợ nhiễm COVID-19.
Cụ thể, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng đã ký văn bản tạm thời đóng cửa 2 chợ Tuol Kork và Boeng Keng Kang từ ngày 18/4 đến 1/5 để ngăn chặn nguy cơ dịch lan rộng và thêm nhiều tiểu thương bị mắc bệnh. Ông cũng kêu gọi những người dân từng đi mua sắm ở chợ này (từ ngày 5/4) cần tự cách ly và theo dõi sức khỏe.
Theo thống kê của Bộ Y tế Campuchia, trong vòng chưa đầy một tháng, tổng cộng đã có 788 công nhân và người lao động có liên quan thuộc 36 nhà máy trên khắp Phnom Penh đã mắc COVID-19. Dịch bệnh lây lan nhanh trong các nhà máy dệt may ở Phnom Penh từ ngày 21/3, thời điểm ca lây nhiễm đầu tiên được phát hiện tại nhà máy Din Han ở quận Meanchey.
Hệ thống y tế Thái Lan nỗ lực tránh nguy cơ quá tải
Hệ thống y tế của Thái Lan đang có nguy cơ quá tải trong bối cảnh số lượng các ca nhiễm mới COVID-19 tăng lên trong làn sóng thứ 3.
Báo Bangkok Post ngày 18/4 đưa tin một số người dân đã lên mạng xã hội để kêu gọi tìm giường bệnh cho gia đình và bạn bè, với nhận định những lời kêu gọi này làm dấy lên lo ngại hệ thống y tế của đất nước đang bị đẩy đến giới hạn.
Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan khẳng định rằng các bệnh có đủ giường cho các bệnh nhân COVID-19, đồng thời kêu gọi người dân không kén chọn và yêu cầu được điều trị tại các bệnh viện có dịch vụ cao. Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân (PHA) Chalerm Harnphanich cũng cho biết nhiều bệnh nhân COVID-19 tại Thái Lan hiện phải chờ giường do một số bệnh viện tư nhân không thu xếp được. Thực trạng này một phần là vì một số bệnh viện tư nhân không giới thiệu bệnh nhân đến các cơ sở y tế bên ngoài mạng lưới của họ và một số bệnh viện yêu cầu bệnh nhân trả tiền điều trị và dịch vụ bất chấp thực tế là Chính phủ sẽ chi trả các chi phí y tế điều trị COVID-19.
Để ứng phó với tình trạng gia tăng đột biến của các ca bệnh COVID-19, Chính phủ Thái Lan đã ra lệnh cho các nhà chức trách cung cấp thêm 25.000 giường bệnh trên toàn quốc, ngoài sức chứa bình thường của các bệnh viện. Bộ Y tế nước này cũng đang xem xét cho phép bệnh nhân COVID-19 sống một mình tự điều trị nếu các cơ sở y tế quá tải. Theo quy định hiện tại, tất cả bệnh nhân COVID-19 phải được nhập viện để giảm lây truyền. Đây là lý do tại sao một số bệnh viện tư nhân ở Bangkok trước đó đã đình chỉ dịch vụ xét nghiệm COVID-19 do thiếu giường để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Tổng thư ký Văn phòng An ninh Y tế quốc gia (NHSO) Jadet Thammathat-Aree ngày 17/4 cho biết 700 bệnh nhân COVID-19 đang chờ được nhập viện. Tuy nhiên, quan chức này khẳng định NHSO và Cục Dịch vụ Y tế đã chỉ định các nhân viên theo dõi các bệnh nhân qua điện thoại hằng ngày. Bệnh nhân COVID-19 được khuyên nên liên hệ với NHSO hoặc Cục Dịch vụ Y tế theo đường dây nóng khi cần giúp đỡ.
Israel bỏ quy định đeo khẩu trang, học sinh đi học bình thường
Nhờ những nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 có hiệu quả, kể từ ngày 18/4 Israel đã bãi bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc khi đi ra ngoài, đồng thời cho phép học sinh các cấp đi học bình thường trở lại.
Tuy nhiên, Bộ Y tế Israel cho biết quy định đeo khẩu trang vẫn được thực hiện trong không gian kín tại các tụ điểm công cộng. Ngoài ra, Bộ khuyến cáo người dân tiếp tục đeo khẩu trang khi tụ tập đông người ở không gian ngoài trời.
Cùng ngày, Bộ Giáo dục Israel ra thông báo cho phép các lớp từ mẫu giáo tới lớp 12 được hoạt động trở lại bình thường như trước thời gian xảy ra dịch bệnh. Học sinh không phải chia ca hoặc ngồi giãn cách trong lớp. Tuy nhiên, học sinh vẫn phải đeo khẩu trang và chỉ được phép bỏ khẩu trang trong các giờ thể dục, ngoại khóa hoặc giờ nghỉ.
Như vậy, sau hơn một năm thực hiện đồng thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bao gồm phong tỏa và giãn cách xã hội kết hợp với tiêm chủng vaccine, cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Israel cơ bản đã thành công. Dịch bệnh cơ bản được khống chế; các hoạt động kinh tế xã hội dần mở cửa trở lại. Tính đến ngày 18/4, Israel đã tiêm phòng cho 5,343 triệu người, với số người được tiêm một mũi vaccine chiếm 58% dân số và số người tiêm đủ hai mũi chiếm 53% dân số. Số ca nhiễm mới mỗi ngày và số bệnh nhân bị các triệu chứng nặng đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng. Các chuyên gia nhận định nếu đà này được duy trì, trong vòng 1 tháng nữa Israel có thể nối lại toàn bộ các hoạt động xã hội như trước khi xảy ra dịch bệnh.
Châu Âu
Đức cảnh báo số ca tử vong tăng mạnh nếu không phòng dịch quyết liệt
Ngày 18/4, Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Peter Altmaier cảnh báo lệnh giới nghiêm phòng dịch COVID-19 nên được áp dụng nhất quán trên phạm vi toàn quốc, nếu không Đức sẽ có thêm hàng chục nghìn ca tử vong vì căn bệnh này.
Phát biểu trên báo Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung, Bộ trưởng Altmaier cho rằng nếu Chính phủ Đức không thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, hệ thống y tế của nước này có nguy cơ rơi vào tình trạng quá tải và sẽ có thêm hàng chục nghìn ca tử vong. Ông Altmaier nhấn mạnh, trên thế giới, những nước ngăn chặn thành công làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 đều là những nước thực hiện các biện pháp phong tỏa triệt để. Ông đồng thời kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc xã hội và nghiêm túc tuân thủ các quy định phòng dịch.
Cảnh báo của Bộ trưởng Kinh tế Đức được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 ở nước này vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Theo số liệu của Viện Robert Koch (RKI), trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận 13.123 ca mắc mới và 65 ca không qua khỏi. Trên toàn nước Đức, tỷ lệ lây nhiễm trong 7 ngày qua là 162,3 trên 100.000 dân. Tính từ đầu dịch đến nay, Đức có trên 3,1 triệu ca mắc COVID-19 và 80.591 ca tử vong.
Pháp buộc các công dân tới từ Argentina, Brazil, Chile và Nam Phi cách ly 10 ngày
Văn phòng Thủ tướng Pháp cho biết nước này sẽ áp đặt lệnh cách ly 10 ngày đối với tất cả những công dân đến từ Argentina, Brazil, Chile và Nam Phi có liên quan tới các biến thể của virus SARS-CoV-2. Những người không thực hiện lệnh cách ly sẽ phải đối diện với các án phạt.
Cùng với lệnh cách ly đối với các công dân đến từ các nước trên, Pháp cho biết các chuyến bay từ Brazil tới nước này cũng sẽ tạm dừng ít nhất tới ngày 23/4 còn các chuyến bay từ 3 nước còn lại vẫn hoạt động bình thường. Lý giải cho điểm khác biệt này, văn phòng Thủ tướng Pháp cho biết do biến thể P1 của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành tại Brazil dễ lây lan hơn so với các chủng biến thể khác cũng như có thể khiến những người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 chủng ban đầu tái dương tính.
Các biện pháp cách ly mới sẽ được đưa ra trong những ngày tiếp theo và các biện pháp này sẽ được thực hiện đầy đủ vào ngày 24/4. Cấc biện pháp mới cũng sẽ hạn chế những người Pháp và gia đình của họ cũng như những công dân quốc gia EU khác trở về từ các 4 nước trên.
Trong thời gian gần đây, Pháp đã thắt chặt các hạn chế về đường hàng không cũng như tiến hành áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm, đóng các cửa hàng không cần thiết và hạn chế đi lại nhằm chống lại làn sóng lây nhiễm thứ 3 của đại dịch COVID-19.
Anh điều tra biến thể SARS-CoV-2 xuất hiện ở Ấn Độ
Giới chức y tế Anh đang điều tra về một biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Ấn Độ, tuy nhiên chưa có đủ bằng chứng để nhận định biến thể này nguy hiểm đến đâu.
Giáo sư Susan Hopkins, Giám đốc của Cơ quan Y tế công của Anh (PHE) cho biết trong cuộc phỏng vấn với kênh BBC ngày 18/4: “Chúng tôi hiện chưa có đủ dữ liệu về biến thể này để biết biến thể có đáng lo ngại hay không. Để xác định, chúng tôi phải xem xét mức độ làm tăng lây nhiễm, tăng độ trầm trọng của các triệu chứng cũng như khả năng kháng vaccine. Chúng tôi hiện vẫn đang theo dõi các dữ liệu hằng ngày”. PHE cho biết đã ghi nhận 77 ca nhiễm biến thể này tại Anh.
Liên quan đến vấn đề nguồn cung vaccine của Liên minh châu Âu (EU), ngày 18/4, Ủy viên châu Âu về thị trường nội khối Thierry Breton để ngỏ khả năng EU có thể quyết định không tiếp tục đặt hàng vaccine của AstraZeneca do việc giao hàng đợt 1 chậm trễ hơn thỏa thuận.
EU ban đầu đặt mua 120 liều vaccine AstraZeneca cho 27 nước thành viên trong quý I/2021 và 180 triệu liều trong quý II/2021. Tuy nhiên đến nay AstraZeneca mới chuyển giao 30 triệu liều, và dự kiến trong quý tiếp theo chỉ có thêm 70 triệu liều.
Ông Breton khẳng định hiện chưa có gì chắc chắn và EU vẫn đang đàm phán với AstraZeneca. Tuy nhiên ông nhấn mạnh dù quyết định thế nào cũng không xuất phát từ lý do y tế hay dịch tễ học, đồng thời khẳng định vaccine AstraZeneca mang lại nhiều lợi ích hơn là nguy cơ.
Châu Mỹ
Cuba ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ đầu dịch
Bộ Y tế Công cộng Cuba thông báo đã ghi nhận thêm 13 ca không qua khỏi do bệnh COVID-19, là số ca tử vong trong một ngày cao nhất kể từ đầu dịch, và thêm 1.037 ca mắc COVID-19. Theo đó, Cuba xác nhận tổng cộng 93.511 ca mắc với 525 ca tử vong.
Theo bộ trên, 64 bệnh nhân nhập viện đang ở trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch. Thành phố La Habana tiếp tục là tâm dịch của Cuba, với tỷ lệ lây nhiễm cao nhất trên cả nước 366.4 ca mắc trên 100.000 dân.
Cuba đang gồng mình chống lại làn sóng mới của dịch COVID-19 kể từ tháng 1 vừa qua. Để đối phó với dịch bệnh, nhà chức trách tăng cường các biện pháp hạn chế, trong đó có việc cách ly những người nhập cảnh và hạn chế hoặc cấm các chuyến bay từ một số nước.
Mỹ: New York có số người nhập viện thấp nhất kể từ tháng 11/2020
Tại Mỹ, Thống đốc bang New York – ông Andrew Cuomo - cho biết số bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại các bệnh viện của bang ngày 16/4 đã giảm xuống còn 3.834 người, thấp hơn so với con số 3.884 người một ngày trước và là mức thấp nhất kể từ ngày 30/11/2020. Tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 trong số những người được xét nghiệm tại bang đã giảm từ 2,81% ngày 22/4 xuống 2,78% ngày 16/4. Tuy nhiên, số ca tử vong trong ngày là 58 ca, cao hơn so với 43 ca một ngày trước.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính đến hết ngày 17/4, bang New York đã ghi nhận tổng cộng 51.537 ca không qua khỏi, là nơi có số ca tử vong cao thứ hai trên cả nước sau bang California với 60.964 ca.
Châu Phi: Tunisia áp dụng biện pháp khẩn để ngăn ngừa COVID-19
Tunisia công bố một số biện pháp khẩn cấp để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng mạnh trong những ngày gần đây.
Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra tại trụ sở Chính phủ Tunisia, người phát ngôn của chính phủ Hasna Ben Slimane cho biết ngoài lệnh giới nghiêm hiện hành, vốn cấm người dân ra khỏi nhà từ 23h đến 5h sáng ngày hôm sau, tất cả các phương tiện giao thông cũng bị cấm lưu hành trong khoảng từ 19h đến 5h sáng. Tất cả các cơ sở kinh doanh không tôn trọng các quy định về vệ sinh phòng dịch hoặc giờ giới nghiêm sẽ bị đóng cửa ngay lập tức. Bên cạnh đó, các trường học sẽ tạm ngừng hoạt động, trừ các trường mẫu giáo. Việc kiểm dịch là bắt buộc với tất các các du khách đến quốc gia này. Các biện pháp mới kể trên sẽ được áp dụng từ ngày 18/4 đến ngày 30/4/2021.
Theo Tổng giám đốc trung tâm Quan sát quốc gia, ông Nissaf Ben Alaya, tình hình dịch COVID-19 ở nước này đang diễn biến rất phức tạp. Một biến thể mới của COVID-19 đang trở thành xu hướng lây lan chính trong cả nước.