Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 170.000 ca), Brazil (50.434 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (32.381 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (2.272 ca), Italy (993 ca) và Mexico (800 ca).
Iran là quốc gia thứ 14 gia nhập nhóm các nước có trên 1 triệu ca mắc COVID-19.
Châu Mỹ
Mỹ ghi nhận số ca điều trị tại bệnh viện cao kỷ lục
Tính tới 6 giờ sáng 4/12 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận trên 170.000 ca mắc mới và 2.272 ca tử vong.
Trước đó, nước Mỹ trong ngày 2/12 lần đầu tiên ghi nhận số ca điều trị tại bệnh viện do COVID-19 vượt ngưỡng 100.000 ca, mức cao kỷ lục. Trên trang Twitter, COVID Tracking Project - tổ chức tình nguyện theo dõi đại dịch COVID-19 ở Mỹ, cho biết ngày 2/12 có 100.226 ca đang được điều trị COVID-19 tại các bệnh viện của Mỹ.
Cùng ngày, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cảnh báo Mỹ đang phải đối mặt với một mùa Đông khốc liệt, với dự báo tổng số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể lên tới gần 450.000 ca trong tháng 2/2020 nếu người dân Mỹ không tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang.
Tiến sĩ Robert Redfield, người đứng đầu CDC nhận định rằng tháng cuối cùng của năm 2020 và tháng 1, 2/2021 sẽ là thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử y tế cộng đồng của cường quốc thế giới này. Theo ông Redfield, với tốc độ lây nhiễm như hiện nay và số ca tử vong do COVID-19 ghi nhận ở mức trên dưới 2.500 ca/ngày, tổng số ca tử vong tại Mỹ có thể lên tới gần 450.000 ca trong tháng 2 tới. Tuy nhiên, Tiến sĩ Redfield cho rằng có thể giảm thiểu được số ca tử vong nếu như người dân tuân thủ các chiến lược ngăn chặn virus lây lan, đặc biệt là các biện pháp phòng dịch cá nhân.
Cùng ngày, CDC cũng khuyến cáo người dân không nên đi du lịch trong các kỳ nghỉ lễ dài sắp tới, đồng thời đưa ra 2 phương án rút ngắn thời gian cách ly đối với những người có thể đã tiếp xúc gần với người nhiễm virus SARS-COV-2, đặc biệt là những người đi du lịch.
Việc tuân thủ các biện pháp y tế công cộng đặc biệt quan trọng khi Mỹ đang phải đối mặt với số ca mắc mới COVID-19 tăng kỷ lục, với trung bình từ 150.000 ca đến hơn 200.000 ca/ngày. Các hoạt động vui chơi, tụ tập và du lịch trong Lễ Tạ ơn dự báo càng làm gia tăng số người nhiễm bệnh trong những ngày tới.
Hiện Mỹ tiến gần tới các mốc không mong muốn về số ca tử vong do COVID-19. Tính tới nay, quốc gia này ghi nhận trên 282.000 ca tử vong, trong đó riêng ngày 2/12 có hơn 2.800 ca, mức kỷ lục kể từ tháng 4 vừa qua.
Châu Âu
Anh khởi động chương trình tiêm chủng toàn quốc quy mô lớn
Anh đã chính thức khởi động chương trình tiêm chủng toàn quốc quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Phát biểu trong buổi họp báo chiều 2/12, Thủ tướng Boris Johnson bày tỏ vui mừng khi Anh là nước đầu tiên trên thế giới tiến hành chương trình tiêm chủng toàn quốc vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây cũng là chương trình tiêm chủng có quy mô lớn nhất của Anh kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thủ tướng Johnson cho biết chương trình tiêm chủng sẽ bắt đầu từ tuần sau, đối tượng ưu tiên là những người sống trong các nhà dưỡng lão, những người trên 80 tuổi và các nhân viên y tế làm việc ở tuyến đầu. Hiện nay, Anh đã đặt mua 40 triệu liều vaccine đủ để tiêm cho 20 triệu người (mỗi người phải tiêm 2 mũi) và sẽ tiêm theo thứ tự phân nhóm. Cơ quan y tế Anh sẽ chủ động thông qua các cơ sở y tế địa phương, bệnh viện để lên danh sách và gọi những người đủ tiêu chuẩn đi tiêm đợt đầu.
Tại Anh, tiêm chủng là tự nguyện, không bắt buộc, nhưng Thủ tướng Johnson kêu gọi tất cả người dân hãy cùng tham gia chương trình này. Thủ tướng cho biết sẽ xúc tiến triển khai tiêm chủng nhanh nhất có thể, tuy nhiên vaccine phải được bảo quản ở nhiệt độ âm 70 độ C nên việc tiêm chủng sẽ kéo dài trong vài tháng. Do vậy, ông kêu gọi người dân tiếp tục nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định giãn cách xã hội vì thời tiết lạnh và mùa nghỉ lễ có nguy cơ khiến dịch lây lan mạnh.
Anh hiện là nước có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất châu Âu với trên 60.000 ca dù số ca nhiễm tại nước này đứng thứ 4 khu vực. Ngày 2/12, Anh đã kết thúc lệnh phong tỏa toàn quốc đợt hai và quay trở lại thực hiện các quy định giãn cách xã hội được áp dụng theo các cấp độ khác nhau tùy từng vùng và thay đổi theo tình hình diễn biến của từng địa phương. Thủ tướng Johnson nói rằng hậu quả sẽ rất tồi tệ nếu như lơ là trong công tác phòng chống dịch và không tuân thủ các quy định giãn cách xã hội. Ông khẳng định Anh sẽ vẫn tiếp tục thắt chặt quy định giãn cách xã hội trong thời gian tới.
Bỉ lên kế hoạch tiêm chủng đại trà từ 5/1/2021
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo thông báo nước này sẽ bắt đầu tiêm chủng ngừa COVID-19 từ 5/1/2021. Ông cho biết sau khi vaccine chính thức được cấp phép thì vẫn phải đợi từ chính phủ liên bang đến chính quyền địa phương phê duyệt các nội dung cuối cùng của chương trình tiêm chủng, tuy nhiên quá trình này sẽ diễn ra trong thời gian rất ngắn.
Thủ tướng Croo cho biết khi có vaccine, nước Bỉ sẽ sẵn sàng và phải tiêm chủng càng nhanh càng tốt và cho nhiều người Bỉ nhất có thể.
Nga ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất
Ngày 3/12, Nga ghi nhận có thêm 28.145 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới - cao nhất từ trước tới nay, trong khi số ca tử vong trong 24 giờ qua là 554 ca.
Theo báo cáo của giới chức y tế Nga, riêng thủ đô Moskva ghi nhận 7.750 ca nhiễm mới. Hiện Nga ghi nhận hơn 2,37 triệu ca nhiễm và 41.607 ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Thụy Sĩ thông báo tình hình dịch bệnh rất đáng lo ngại
Ngày 3/12, Bộ trưởng Y tế Thụy Sĩ Alain Berset cho biết nước này không thể để xảy ra làn sóng dịch COVID-19 lần thứ ba, đồng thời cho biết tình hình dịch bệnh rất đáng lo ngại khi mức độ lây nhiễm hiện đang duy trì ở mức cao.
Theo Bộ trưởng Berset, nước này sẽ cần phải siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ông Berset cũng cho biết Thụy Sĩ sẽ không "khuất phục" trước áp lực từ các nước khác trong việc đóng cửa các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết vào các kỳ nghỉ lễ cuối năm như một số nước láng giềng đã làm. Hiện, Pháp, Italy và Đức đã cấm các hoạt động thể thao mùa Đông trong kỳ nghỉ lễ trong khi Áo thông báo sẽ mở cửa trở lại khu trượt tuyết vào dịp Giáng Sinh.
Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại Thụy Sĩ đã tăng 4.455 ca/ngày. Hiện, tổng số ca mắc COVID-19 ở Thụy Sĩ và công quốc Liechtenstein láng giềng đã lên tới 340.115 ca và tỉ lệ tử vong tăng thêm 80 ca lên 4.747 ca.
Theo kế hoạch, Chính phủ Thụy Sĩ ngày 4/12 sẽ thảo luận các biện pháp phòng chống dịch.
Hy Lạp tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa đến ngày 14/12
Người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas cho biết nước này sẽ kéo dài lệnh phong tỏa trên toàn quốc thêm 1 tuần, cho đến ngày 14/12 với lý do tỉ lệ lây nhiễm vẫn ở mức cao. Lệnh phong tỏa thứ hai này ban đầu sẽ kết thúc vào ngày 30/11, nhưng Chính phủ Hy Lạp đã kéo dài đến ngày 7/12.
Chỉ có các cửa hàng bán các mặt hàng phục vụ lễ Giáng Sinh sẽ được phép hoạt động, như vậy các cửa hàng này có thể mở cửa từ ngày 7/12.
Theo ông Petsas, nước này sẽ tiếp nhận đợt vaccine phòng COVID-19 đầu tiên vào đầu tháng 1/2021 để có thể thực hiện tiêm chủng cho hơn 2,1 triệu dân/tháng. Việc tiêm phòng sẽ được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.
Cho đến nay, Hy Lạp đã ghi nhận tổng cộng 111.537 ca mắc COVID-19 và 2.706 ca tử vong, trong đó miền Bắc Hy Lạp là khu vực chịu tác động nghiêm trọng nhất và các bệnh viện đang rơi vào tình trạng quá tải.
Thủ tướng Séc kêu gọi người dân thận trọng
Trong nỗ lực ứng phó với làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19, Chính phủ Séc kêu gọi người dân thận trọng để tránh rủi ro và mong muốn sớm tiếp nhận vaccine ngừa COVID-19.
Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn Truyền hình Nova, trước việc Séc quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch từ ngày 3/12 do tỷ lệ lây nhiễm gần đây giảm, Thủ tướng Andrej Babis kêu gọi người dân thận trọng để tránh những rủi ro đáng tiếc. Ông Babis nhấn mạnh tình hình dịch COVID-19 tại nước này vẫn diễn biến phức tạp và chính phủ sẽ kiến nghị hạ viện gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày sau khi hết hiệu lực vào ngày 12/12. Theo Thủ tướng Séc, vaccine là giải pháp duy nhất để đối phó với cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 hiện nay tại quốc gia Trung Âu này.
Cùng ngày, phát biểu trước Hạ viện Séc, Bộ trưởng Y tế Jan Blatny cho biết nước này có thể sẽ tiếp nhận những lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên dự kiến trong tháng 1 hoặc tháng 2 năm tới.
Đến nay, CH Séc đã ghi nhận 535.760 ca mắc COVID-19, trong đó 8.625 trường hợp tử vong.
Phần Lan thông báo kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19
Ngày 3/12, Chính phủ Phần Lan thông báo đã nhất trí chiến lược quốc gia về việc tiêm chủng phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho tất cả người dân. Theo đó, từ tháng 1/2021, nước này sẽ tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các nhân viên y tế được lựa chọn.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Xã hội và Y tế Krista Kiuru khẳng định "mục tiêu của Phần Lan là bảo vệ toàn bộ người dân thông qua việc cung cấp vaccine miễn phí cho tất cả những ai sẵn sàng và những người không gặp vấn đề về sức khỏe".
Italy siết chặn quy định dịp Giáng sinh và Năm mới
Tối 3/12, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã thông báo sắc lệnh mới nhằm ngăn chặn làn sóng thứ 3 của đại dịch COVID-19 trong dịp Lễ Giáng sinh và Năm mới.
Sắc lệnh mới cấm mọi hoạt động di chuyển giữa các vùng từ ngày 21/12/2020 - 6/1/2021 với khung giờ giới nghiêm từ 22 giờ hàng ngày.
Phát biểu trước báo giới về sắc lệnh vừa ban hành, Thủ tướng Conte nêu rõ Italy đã tránh được lệnh đóng cửa toàn quốc nhưng không thể mất cảnh giác trong dịp lễ Giáng sinh và cần phải ngăn làn sóng dịch thứ 3 có thể xuất hiện vào tháng 1 tới. Theo ông, thận trọng là cần thiết để bảo vệ mọi người, đặc biệt là người cao tuổi. Ông còn khuyến cáo người dân không tiếp những người không sống cùng nhà trong dịp Giáng sinh và Năm mới.
Các sắc lệnh mới được ban hành trong bối cảnh làn sóng dịch thứ 2 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Italy. Theo Bộ Y tế nước này, tổng số ca mắc COVID-19 đã lên tới 1.664.829 người, trong đó ghi nhận 58.038 người tử vong. Hiện số ca mắc mới vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, thậm chí ngày 3/12 còn chứng kiến con số kỷ lục 23.225 ca mắc mới và 993 người tử vong vì COVID-19.
Châu Á
Ấn Độ ngày thứ tư liên tiếp có số ca mắc theo ngày dưới 40.000 ca
Ngày 3/12 là ngày thứ tư liên tiếp nước này có số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày tại nước này dưới 40.000 ca. Trong 24 giờ qua, quốc gia châu Á này có 31.094 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại nước này lên 9,53 triệu người, cao thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Trước đó, trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, Ấn Độ liên tục là nước có số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất thế giới.
Số ca mắc bệnh tại Iran vượt quá 1 triệu người
Trong ngày 3/12, Bộ Y tế Iran cho biết số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt quá 1 triệu ca, trở thành quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh ở khu vực Trung Đông.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Sima Sadat Lari, trong 24 giờ qua, Iran ghi nhận thêm 13.922 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 1.003.494 kể từ khi nước này phát hiện các ca nhiễm đầu tiên vào tháng 2. Iran cũng thông báo thêm 358 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 49.348 người.
Hàn Quốc tăng cường chống dịch phục vụ 490.000 thí sinh thi đại học
Số ca mắc mới ở Hàn Quốc đã tăng trở lại trên 500 ca/ngày trong bối cảnh do khoảng 490.000 học sinh trung học bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học, một trong những kỳ thi quan trọng tại nước này. Trước đó, kỳ thi này đã bị hoãn hồi tháng 11 cũng do dịch COVID-19.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết trong số 490.000 thí sinh tham gia kỳ thi năm nay, có 35 em đang có các triệu chức mắc COVID-19 và 404 em đang trong thời gian cách ly. Các trường hợp này được phép bài thi ngay tại các bệnh viện hoặc các cơ sở cách ly.
Theo các quan chức Bộ Giáo dục Hàn Quốc, kỳ thi diễn ra theo kế hoạch với các biện pháp phòng chống lây nhiễm nghiêm ngặt.
Giới chức y tế Hàn Quốc nhận định tuần này là thời điểm quyết định đối với cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19. Việc có tăng cấp độ giãn cách xã hội hay không phụ thuộc vào các biện pháp khống chế dịch bệnh đang được thực hiện. Kể từ ngày 24/11, "xứ sở kim chi" đã áp đặt cấp độ 2 trong thang 5 cấp độ giãn cách xã hội. Giãn cách xã hội cấp độ 2 được áp dụng khi rải rác các tỉnh, thành phố trên cả nước xuất hiện ca nhiễm mới, số ca nhiễm mới trong cộng đồng ở khu vực đô thị vượt 100 ca/ngày, các vùng khác trên 30 ca/ngày, riêng thành phố Gangwon và đảo Jeju trên 10 ca/ngày. Ngoài ra, theo cấp độ này, toàn bộ các câu lạc bộ vui chơi giải trí, hộp đêm phải ngừng hoạt động. Các sự kiện hiếu, hỉ cũng bị hạn chế số người tham gia dưới 100 người.
Nhật Bản sẵn sàng cấp phép cho các loại vaccine hiệu quả và an toàn
Tại Nhật Bản, tốc độ lây nhiễm dịch bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Chỉ trong ngày 3/12, nước này phát hiện thêm 2.441 ca nhiễm mới. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm mới ở Nhật Bản vượt mức 2.000 ca. Nước này ghi nhận 41 ca tử vong trong ngày 3/12.
Mặc dù vậy, theo Đài truyền hình NHK, Chính phủ Nhật Bản vẫn cân nhắc khả năng gia hạn chương trình kích cầu ăn uống “Go To Eat”. Đây là một chương trình nhằm hỗ trợ cho các nhà hàng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, gồm bán coupon có giá trị cao hơn 25% so với giá bán và tặng điểm thưởng cho người đặt chỗ ở nhà hàng qua mạng Internet.
Cùng với nỗ lực chống dịch, Chính phủ Nhật Bản thông báo sẵn sàng cấp phép cho các loại vaccine phòng COVID-19 sau khi Anh thông báo cấp phép cho vaccine do hãng dược phẩm Pfizer Inc. của Mỹ và Công ty Công nghệ sinh học BioNTech của Đức hợp tác bào chế.
Triều Tiên chủ động tăng cường các biện pháp chống dịch
Trong khi đó, tại Triều Tiên, giới chức nước này đang siết chặt các biện pháp chống dịch tại thủ đô Bình Nhưỡng với mức cảnh báo cao nhất về nguy cơ dịch COVID-19.
Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên (KCTV) đưa tin: "Những nỗ lực nhằm ngăn chặn nguồn lây nhiễm xâm nhập vào thành phố này đang được thực hiện một cách chủ động". Theo đó, mọi người dân đi qua vùng Mankyongdae, được coi là cửa ngõ phía Tây vào thủ đô, đều phải đo thân nhiệt và khử khuẩn.
Quốc gia Đông Bắc Á này hiện cũng phong tỏa toàn bộ khu vực biên giới do lo ngại lây lan dịch COVID-19. Trong những ngày gần đây, KCTV đã đưa tin kêu gọi xây dựng kế hoạch phong tỏa toàn diện và tiến hành phòng dịch khẩn cấp, nhấn mạnh tới công tác phòng dịch COVID-19. KCTV còn phát sóng chương trình đặc biệt về những thiệt hại do đại dịch ở nước ngoài nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh.
Cho đến nay, Triều Tiên vẫn khẳng định không có ca mắc COVID-19 nàotại nước này.