Điểm tên các lãnh đạo thế giới đã tới Israel từ khi xung đột với Hamas bùng phát

Ngày 24/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới Tel Aviv để thể hiện tình đoàn kết với Israel. Ông là nhà lãnh đạo nước ngoài mới nhất tới nước này sau vụ tấn công của Hamas. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte dự kiến thăm Israel trong tuần này.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) đón Tổng thống Mỹ Joe Biden tại sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv ngày 18/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Pháp Macron dự kiến gặp Tổng thống Israel Issac Herzog, Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các lãnh đạo phe đối lập Israel như ông Benny Gantz và Yair Lapid. Tổng thống Pháp muốn kêu gọi bảo vệ dân thường ở Gaza trong bối cảnh Israel tiến hành bắn phá không ngừng vào vùng lãnh thổ của người Palestine và chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ.

Trước đó, một loạt lãnh đạo thế giới đã tới Israel. Ngày 23/10, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã gặp Thủ tướng Netanyahu. Ông Mitsotakis đã từng phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Cairo (Ai Cập) rằng không có giải pháp quân sự nào có thể thay thế giải pháp chính trị khả thi.

Theo tờ The Times of Israel, ngày 21/10, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã gặp ông Netanyahu tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở Tel Aviv. Hai lãnh đạo tiến hành gặp riêng trước khi họp mở rộng.

Ngày 19/10, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã tới thăm Israel và trong cuộc gặp Tổng thống Israel Isaac Herzog, ông cho biết chính phủ nước này bày tỏ tinh thần đoàn kết với Israel. Ông Sunak nêu rõ Chính phủ Anh sẽ sát cánh cùng chính quyền và người dân Israel trong nỗ lực đưa hòa bình trở lại, cũng như đảm bảo an toàn cho những con tin đang bị bắt giữ. Bên cạnh đó, ông cho rằng người Palestine chỉ là nạn nhân của xung đột, đồng thời khẳng định các nước cần tiếp tục cung cấp viện trợ cho người dân Gaza. Anh đang tăng cường viện trợ cho người Palestine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã gặp Thủ tướng Israel trước khi tới Ai Cập. Trong chuyến thăm Israel 10 ngày sau vụ tấn công của Hamas, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định tình đoàn kết với Israel. Ông nói: “Trách nhiệm của chúng ta là bảo vệ sự tồn tại và an ninh của nhà nước Israel”.

Ngày 18/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Israel giữa lúc Washington nỗ lực ngăn chặn cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas lan rộng ở Trung Đông. Người phát ngôn của quân đội Israel, ông Daniel Hagari tuyên bố chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Israel có tầm quan trọng chiến lược. Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari nêu rõ: “Chuyến thăm này mang tầm quan trọng chiến lược đối với toàn bộ Trung Đông”. Ông Joe Biden từng tới thăm Israel 10 lần và lần đầu tiên khi còn là thượng nghị sĩ Mỹ vào năm 1973. Chuyến thăm của ông Biden đặt ra thách thức an ninh rất lớn với Israel trong bối cảnh xung đột của quân đội nước này với Hamas đang leo thang căng thẳng. Ngày 16/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã phải xuống hầm trú ẩn ở Tel Aviv sau khi còi báo động phòng không làm gián đoạn cuộc họp của ông với Thủ tướng Netanyahu.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị tiến hành chuyến thăm Israel nhằm thể hiện sự đoàn kết, nhưng được phản hồi rằng thời điểm chưa thích hợp. Tuy nhiên, ông Zelensky cũng được thông báo rằng chuyến thăm có thể diễn ra vào một ngày nào đó trong tương lai.

Tổng thống Zelensky muốn thực hiện chuyến đi Israel cùng với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ông Zelensky đã đưa ra những tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ Israel sau vụ tấn công của Hamas hôm 7/10, nói rằng quốc gia Do Thái này có quyền tự bảo vệ mình. Cho đến nay, Israel đã ủng hộ Ukraine liên quan đến cuộc xung đột với Nga và cung cấp hỗ trợ nhân đạo, nhưng từ chối gửi viện trợ quân sự.

Trong khi đó, ngày 23/10, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk đã kêu gọi lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Dải Gaza, trong bối cảnh xung đột Hamas - Israel chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong tuyên bố, ông Turk nêu rõ: “Bước đầu tiên phải là một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, cứu sống dân thường thông qua việc cung cấp viện trợ nhân đạo nhanh chóng và hiệu quả".

Thùy Dương/Báo Tin tức
Những lý do sâu xa khiến Israel vẫn trì hoãn chiến dịch tấn công trên bộ vào Gaza
Những lý do sâu xa khiến Israel vẫn trì hoãn chiến dịch tấn công trên bộ vào Gaza

Ném bom trên không hoàn toàn có thể mở đường cho một cuộc tấn công trên bộ sớm hơn, nhưng không loại bỏ được rủi ro hoặc tổn thất về lực lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN