Điểm danh các ứng cử viên vaccine COVID-19 hàng đầu: giá cả, hiệu quả, cách bảo quản

Giá cả, công nghệ, hiệu quả và cách bảo quản của các ứng cử viên vaccine phòng COVID-19 hàng đầu hiện nay là những yếu tố đang được các quốc gia trên khắp thế giới quan tâm.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 của Moderna trên tình nguyện viên tại Detroit, Michigan, Mỹ, ngày 5/8/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Các nhà sản xuất dược phẩm và trung tâm nghiên cứu đang nỗ lực chạy đua cung cấp một loại vaccine an toàn và hiệu quả để giúp chấm dứt đại dịch COVID-19 đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,37 triệu người trên toàn thế giới.

Gần đây hai ứng cử viên vaccine COVID-19 do Mỹ sản xuất - được công bố có hiệu quả cao tới 95% trong các thử nghiệm giai đoạn cuối - đã mang lại niềm lạc quan vào thời điểm hệ thống y tế ở châu Âu và Mỹ một lần nữa bị đẩy đến ngưỡng “nguy kịch”.

Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức lớn trước khi vaccine COVID-19 có thể được tung ra thị trường. Cuộc chiến toàn cầu nhằm đảm bảo nguồn cung cấp tiềm năng đã dấy lên cảnh báo về khả năng tiếp cận công bằng, trong khi còn đó nhiều câu hỏi về hậu cần, phân phối và có lẽ quan trọng nhất là giá cả.

Dưới đây là những thông tin cần biết về một số ứng cử viên vaccine COVID-19 hàng đầu.

Vaccine của Moderna (Mỹ)

Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ hôm 16/11 cho biết dữ liệu thử nghiệm lâm sàng sơ bộ cho thấy vaccine của họ có hiệu quả hơn 94% trong việc ngăn ngừa COVID-19. Vaccine này bao gồm hai mũi tiêm cách nhau 4 tuần.

Chú thích ảnh
Trụ sở Tập đoàn công nghệ sinh học Moderna tại Cambridge, Massachusetts, Mỹ, ngày 18/5/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tin tức được đưa ra một tuần sau khi tập đoàn Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech công bố hiệu quả tương tự với vaccine của họ. Cả hai đều sử dụng công nghệ RNA thông tin (mRNA). Đây là một cách tiếp cận mới đối với những loại vaccine sử dụng vật liệu di truyền để kích thích phản ứng miễn dịch.

Moderna cho biết ứng cử viên vaccine của họ vẫn ổn định ở 36-46 độ F (2,2-7,8 độ C), nhiệt độ của tủ lạnh y tế tiêu chuẩn, trong tối đa 30 ngày. Nó có thể được lưu trữ trong tối đa 6 tháng ở âm 4 độ F (âm 20 độ C).

Theo Moderna, vaccine thử nghiệm của họ có hiệu quả 94,5% trong ngăn ngừa COVID-19 dựa trên dữ liệu từ một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. 

Hồi tháng 8, Moderna tiết lộ họ đang tính giá từ 32-37 USD mỗi liều vaccine cho một số khách hàng. Vào thời điểm đó, công ty cho biết họ đang thảo luận về các hợp đồng số lượng lớn hơn sẽ có giá thấp hơn. Tuy nhiên, mức chi phí này vẫn cao hơn đáng kể so với các loại vaccine khác.

Chú thích ảnh

Moderna cho biết họ dự kiến ​​sẽ có khoảng 20 triệu liều vaccine sẵn sàng được chuyển đến Mỹ vào cuối năm nay và vẫn đang trên đà sản xuất từ ​​500 triệu đến 1 tỷ liều trên toàn cầu vào năm 2021.

Công ty đã cam kết cung cấp 100 triệu liều vaccine cho Mỹ; Canada đã đặt hàng 56 triệu liều, Anh đặt 50 triệu và Thụy Sĩ đã mua 4,5 triệu liều.

Vaccine của Pfizer-BioNTech

Công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) cho biết, một phân tích ban đầu về ứng cử viên vaccine của họ cho thấy nó có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19. Nó bao gồm hai mũi tiêm cách nhau 21 ngày.

Không giống như vaccine của Moderna, ứng cử viên của Pfizer và BioNTech yêu cầu nhiệt độ bảo quản là âm 94 độ F (âm 70 độ C) và yêu cầu thiết bị bảo quản và vận chuyển đặc biệt. Điều này có thể gây khó khăn cho một số quốc gia trong việc phân phối.

Vaccine này chỉ có thể được giữ trong tủ lạnh thông thường trong 5 ngày.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech phối hợp phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN

Pfizer và BioNTech được cho là có kế hoạch xếp các hộp cỡ vali từ các địa điểm phân phối ở Kalamazoo, Michigan và Puurs, Bỉ, lên khoảng hai chục xe tải mỗi ngày, cho phép vận chuyển hàng ngày khoảng 7,6 triệu liều thuốc đến các sân bay gần đó.

Pfizer hôm 17/11 đã khởi động một chương trình phân phối thử nghiệm ứng cử viên vaccine của mình ở Rhode Island, Texas, New Mexico và Tennessee (Mỹ). Pfizer cho biết, kế hoạch này nhằm cố gắng giải quyết những thách thức về phân phối liên quan đến các yêu cầu về kho siêu lạnh.

Công ty được cho là tính phí 20 USD mỗi liều vaccine của họ, thấp hơn đáng kể so với Moderna.

Pfizer - BioNTech đã có các thỏa thuận bảo đảm với một số quốc gia trên toàn cầu. Liên minh châu Âu đặt hàng nhiều nhất, với 300 triệu liều được xác nhận tính đến ngày 11 tháng 11, Nhật Bản đặt mua 120 triệu và Mỹ đã mua 100 triệu. Anh, Canada, Australia và Chile đều đã mua ít nhất 10 triệu liều vaccine của Pfizer-BioNTech.

Vaccine của AstraZeneca-Oxford

Gã khổng lồ dược phẩm AstraZeneca của Anh đang phát triển vaccine COVID-19 với sự hợp tác của Đại học Oxford. Dữ liệu từ các thử nghiệm giai đoạn cuối dự kiến được cung cấp trước khi kết thúc năm 2020.

AstraZeneca cho biết vào cuối tháng 10 rằng vaccine của họ đã tạo ra phản ứng miễn dịch tương tự nhau ở người lớn tuổi và trẻ hơn, và phản ứng bất lợi với vaccine ở người cao tuổi cũng được phát hiện là thấp hơn.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất vaccine tại cơ sở của Tập đoàn y tế Australia CSL ở Melbourne.  CSL sẽ sản xuất vaccine COVID của AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN

Đầu tháng 11 này, bộ đôi đối tác của Anh cho biết họ đang bảo quản đông lạnh vaccine trong các thùng chứa lớn. Theo Reuters, hãng dự kiến ​​sẽ thêm thành phần cuối cùng vào các lọ của mình để có thể giữ chúng ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường khi vaccine được phê duyệt theo quy định.

Ứng cử viên vaccine của AstraZeneca-Oxford đã đạt được một số thỏa thuận đáng kể với một số quốc gia. Mỹ và Ấn Độ đều đã đồng ý mua 500 triệu liều, EU đạt được thỏa thuận mua 400 triệu và cơ sở Covax của Liên hợp quốc đã đặt hàng 300 triệu.

Anh, Nhật Bản, Indonesia, Brazil và Mỹ Latinh (không tính Brazil) đều đã xác nhận đặt hàng ít nhất 100 triệu liều.

Theo Financial Times, vaccine AstraZeneca-Oxford cần tiêm hai liều, có giá khoảng 3-4 USD. Công ty cho biết vaccine sẽ được bán với giá không có lợi nhuận, bất kể nó được giao ở đâu trên thế giới, “miễn là tất cả các đơn đặt hàng này được thực hiện trong vài tuần và tháng tới”.

Mặc dù AstraZeneca đã cam kết không thu lợi nhuận từ loại vaccine mà họ đang phát triển với Oxford “trong thời kỳ đại dịch”, công ty có khả năng tính giá cao hơn từ tháng 7/2021.

Giám đốc điều hành của AstraZeneca, Pascal Soriot, cho biết vào ngày 5/11 rằng công ty sẽ “coi việc phát triển vaccine như một phản ứng đối với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu chứ không phải là một cơ hội thương mại”.

Vaccine của Johnson & Johnson

Thuốc chủng ngừa COVID-19 của công ty Mỹ Johnson & Johnson là một mũi tiêm một liều sử dụng công nghệ đã từng được dùng để phát triển và sản xuất vaccine phòng Ebola của họ. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho tình nguyện viên tại Porto Alegre, Brazil, ngày 8/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Một thử nghiệm lâm sàng tiêm một liều cho 60.000 người đã được khởi động vào tháng 9/2020, mặc dù kể từ đó công ty đã ký thỏa thuận với chính phủ Anh về một thử nghiệm lâm sàng hai liều riêng biệt.

J&J báo cáo rằng nếu kết quả của thử nghiệm một liều là tích cực, họ có thể đơn giản hóa việc phân phối hàng triệu liều vaccine, qua đó đạt được lợi thế so với một số đối thủ - yêu cầu tiêm 2 liều.

Vaccine của J&J cần được bảo quản lạnh cơ bản và được cho là có giá khoảng 10 USD một liều.
Hiện nay đã đặt hàng 200 triệu liều ứng cử viên vaccine của J&J, Mỹ đảm bảo 100 triệu liều, Canada mua 38 triệu và Anh đặt 30 triệu liều.
 

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNBC)
COVID-19 đến 6h sáng 21/11: Mỹ xem xét duyệt vaccine COVID; làn sóng 2 ở châu Âu đi xuống
COVID-19 đến 6h sáng 21/11: Mỹ xem xét duyệt vaccine COVID; làn sóng 2 ở châu Âu đi xuống

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 629/794 ca mắc COVID-19 và 10.777 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh lên trên 57,8 triệu, trong đó có trên 1.376.000 triệu bệnh nhân không qua khỏi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN