Điểm chung của những nước nới lỏng lệnh phong tỏa, giãn cách

Cộng hòa Séc, Italy, Đan Mạch, Áo và sắp tới là Đức là những quốc gia phương Tây đầu tiên nới lỏng lệnh hạn chế đối với các hoạt động thường nhật trước đó được áp dụng để ngăn chặn COVID-19 lây lan.

Chú thích ảnh
Học sinh đứng cách nhau 2m khi xếp hàng chờ vào trường Stengaard, phía Bắc Copenhagen (Đan Mạch) trong ngày đầu nới lỏng hạn chế. Ảnh: Reuters

Người dân tại Cộng hòa Séc giờ đã có thể đến mua sắm tại các cửa hàng, chơi tennis và bơi lội, trong khi người dân Italy có thể tới tiệm sách, tiệm giặt là. Học sinh các cấp từ mẫu giáo tại Đan Mạch cũng đã quay trở lại lớp học. Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 15/4 thông báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã sẵn sàng thu hồi một số lệnh hạn chế từ tuần này. “Từng chút một, cuộc sống thường nhật tại một vài khu vực ở châu lục bắt đầu quay trở lại”, nữ lãnh đạo nói.

Trả lời phỏng vấn kênh CNN, Tiến sĩ Peter Drobac, chuyên gia y tế toàn cầu làm việc tại Đại học Kinh tế Oxford Saïd, cho biết các quốc gia trên đang là “tấm gương quan trọng và mang đầy hy vọng” cho phương Tây.

“Chúng ta vẫn còn rất nhiều điều phải học hỏi để làm thế nào dỡ bỏ lệnh phong tỏa một cách an toàn và hiệu quả”, Tiến sĩ Peter nhấn mạnh.

Tiến sĩ Peter chỉ ra rằng các quốc gia chuẩn bị nới lỏng hạn chế đều có một điểm chung: Đây là những quốc gia đầu tiên tại châu Âu áp dụng các lệnh phong tỏa và biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, cũng như nhanh chóng đẩy mạnh quy mô xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

“Họ đều có những điểm chung này và kết quả là họ đã qua được đỉnh dịch. Số người tử vong liên quan đến COVID-19 tại những quốc gia này chỉ là hàng chục, hàng trăm thay vì hàng nghìn. Họ ở một vị trí tốt hơn nhờ sự chủ động của chính mình”, chuyên gia Peter lý giải.

Theo ông Peter, kế hoạch nới lỏng hạn chế từ từ mà các quốc gia nói trên thông báo “có vẻ hợp lý và thông minh”. Ông nói: “Đây là một quy trình diễn ra từ từ và họ sẽ phải học từng bước một. Họ phải theo dõi những ca mắc lệnh mới. Song nếu như nới lỏng quá và các ca mắc COVID-19 bắt đầu tăng vọt, họ có thể siết lại một chút. Đây là phương thức mà mỗi quốc gia phải làm khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế”.

Đối với những quốc gia còn lại, họ sẽ phải có đủ 3 điều kiện chung để tránh làn sóng COVID-19 thứ hai rồi mới có thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa hay các biện pháp hạn chế. Đầu tiên, họ cần phải "làm phẳng đường cong" và số liệu cho thấy số ca mắc mới giảm dần. Thứ hai, hệ thống chăm sóc sức khỏe các nước cần có khả năng đối phó mà không cần dùng đến các biện pháp khủng hoảng như bệnh viện dã chiến. Thứ ba, họ cần có hệ thống xét nghiệm hàng loạt, theo dõi và cách ly người bệnh sớm trước khi họ lây nhiễm cho người khác.

Bất kỳ động thái nới lỏng hạn chế nào cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ. Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới tại châu Âu, Tiến sĩ Hans Kluge, tuần trước đã cảnh báo tình hình tại châu lục này còn rất đáng quan ngại và khẳng định giờ chưa phải lúc để nới lỏng các biện pháp. Ông cho rằng châu Âu vẫn đang là tâm dịch khi có 7 trong 10 nước bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nặng nhất thế giới.

Theo một nghiên cứu về dịch bệnh đăng trên tạp chí Y khoa The Lancet, các tác giả khuyến cáo không nên dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa toàn cầu cho đến khi tìm ra vaccine điều trị virus SARS-CoV-2.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Diễn biến dịch COVID-19 tới 6h sáng 16/4: Thế giới có 134.020 ca tử vong, một số nước nới lỏng hạn chế đi lại
Diễn biến dịch COVID-19 tới 6h sáng 16/4: Thế giới có 134.020 ca tử vong, một số nước nới lỏng hạn chế đi lại

Theo thống kê trên trang mạng worldometers.info, đến 6h sáng 16/4 (theo giờ Việt Nam), thế giới có tổng cộng 2.073.568 ca mắc COVID-19, trong đó 134.020 ca tử vong. WHO tiếp tục cảnh báo về dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN