Trong khi các giáo viên ở Trung Quốc như bà You Xiaoling đã chuyển từ việc đứng lớp truyền thống sang giảng bài trực tuyến thì những người dân như Zhang Weijia hay Zhang Tao “làm quen” với dịch vụ khám bệnh trực tuyến hay đặt hàng trực tuyến và nhận tại nhà.
Nền kinh tế “tại nhà” thường bao gồm các dịch vụ theo yêu cầu, mua sắm trực tuyến, giao đồ ăn trực tuyến, giáo dục trực tuyến, làm việc tại nhà và các ứng dụng trò chơi mà khách hàng có thể chơi tại nhà. Zhang Weijia, người đến từ Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), cho biết khá bất ngờ về sự tiện lợi của việc mua hàng thông qua các ứng dụng cài trên điện thoại thông minh.
Cũng như nhiều người dân khác ở Trung Quốc, ông Zhang Weijia đã thay đổi thói quen mua sắm ở các chợ truyền thống và hiện chọn dùng các ứng dụng giao thực phẩm tươi sống trực tuyến để tránh phải ra ngoài đường trong khi dịch bệnh do nCoV bùng phát.
Tuy vậy, do sự thuận tiện và phổ dụng, nhiều ứng dụng trực tuyến đang chịu sức ép về các nguồn cung đầu vào và nhân lực nên đã bắt đầu giới hạn số đơn hàng tiếp nhận hàng ngày. Vì vậy, ông Zhang Weijia phải thức dậy sớm hàng ngày để đặt hàng.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của JD Fresh, đơn vị kinh doanh thực phẩm tươi sống của doanh nghiệp thương mại điện tử JD (Trung Quốc), số đơn đặt hàng của họ trong 9 ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán 2020 đã tăng 215% so với một năm trước đó.
Theo Giám đốc Tài chính (CFO) Wang Jun của một ứng dụng giao thực phẩm tươi sống khác ở Trung Quốc là Missfresh, trong giai đoạn dịch bệnh do nCoV bùng phát, họ cũng tiếp nhận số đơn hàng tăng 300% so với cùng kỳ năm trước đó.
Theo Wang Jun, thị trường giao thực phẩm tươi sống trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển với nhiều cơ hội kinh doanh mới khi thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi.
Cùng với một số bệnh viện ở tỉnh Chiết Giang, hàng chục bệnh viện ở tỉnh Sơn Đông đã cung cấp dịch vụ khám bệnh trực tuyến cho những người dân bị sốt để sàng lọc những bệnh nhận bị nhiễm dịch bệnh do nCoV.
Trong khi đó, các nền tảng trực tuyến của Trung Quốc như Alibaba và JD.com cũng đã triển khai các dịch vụ tư vấn miễn phí, với hàng nghìn bác sỹ trên toàn quốc sẵn sàng khám bệnh và tư vấn sức khỏe trực tuyến cho người dân trên toàn quốc.
Trang chủ dịch vụ của Alibaba tiếp nhận gần 400.000 “lượt ghé thăm” của người dùng trong mỗi 24 tiếng kể từ sau khi khai trương vào ngày 24/1.
Zhang Tao, một người dân ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, cho biết dịch vụ chẩn đoán bệnh trực tuyến rất thuận tiện và sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ này nếu giá cả hợp lý.