Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo người dân các nước tránh tụ tập đông người hay đi du lịch do chính phủ nhiều nước tái áp đặt phong tỏa và hạn chế đi lại.
Tại Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới, đại dịch COVID-19 là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 3 trong năm 2020 với 345.000 ca. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất ở những người trên 85 tuổi, người da màu, người Mỹ bản địa và nam giới, và thấp nhất ở độ tuổi từ 1-4 và 5-14. Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky cảnh báo những tác động trên của đại dịch vẫn chưa thể chấm dứt trong năm 2021. Cho đến thời điểm này, Mỹ đã ghi nhận 31.169.999 ca mắc COVID-19 và 565.292 ca tử vong.
Xếp sau Mỹ là Brazil với 12.753.258 ca mắc COVID-19 và 321.886 ca tử vong. Ngày 31/3, giới chức y tế Brazil cho biết trong 24 giờ qua, nước này có thêm 3.869 ca tử vong do COVID-19, mức cao kỷ lục, trong số 90.638 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Brazil mới đây đã phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, tương tự biến thể ở Nam Phi, mặc dù bệnh nhân nhiễm chủng mới này chưa đi du lịch hay tiếp xúc với du khách đến từ quốc gia châu Phi. Các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng đây là loại biến thể phát triển từ chính chủng P1 được phát hiện tại Brazil trước đó. Hiện Brazil đang trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất với số ca tử vong chiếm khoảng 25% trên toàn thế giới, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Đứng thứ ba là Ấn Độ với 12.229.790 ca mắc và 162.993 ca tử vong. Ấn Độ đã thông báo thêm 72.330 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất từ ngày 11/10/2020. Số ca tử vong cũng tăng 459 ca.
Tình hình dịch bệnh nóng lên đã buộc hàng loạt nước ở châu Âu và châu Á siết chặt các biện pháp hạn chế. Ngày 31/3, Chính phủ Italy - quốc gia từng là tâm dịch ở châu Âu, đã thông qua một sắc lệnh, theo đó gia hạn các biện pháp phòng dịch như đóng cửa nhà hàng, cửa hàng và bảo tàng đến hết tháng 4. Cùng ngày, Thụy Điển khẳng định sẽ không sớm nới lỏng các hạn chế như kế hoạch đề ra trước đó. Theo đó, cơ quan y tế cộng đồng của Thụy Điển cho biết sớm nhất là đến ngày 3/5 tới, chính quyền mới nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch như đóng cửa cửa hàng, quán bar, phòng tập gym và cửa hàng. Tại Pháp, theo thông báo mới nhất của Thủ tướng Edouard Philippe, nước này sẽ cấm bán đồ uống có cồn tại các công viên và khu vực công cộng ngoài trời, trong khi các trường học cũng buộc phải đóng cửa trong thời gian thực hiện lệnh phong tỏa toàn quốc. Trong khi đó, thủ đô Berlin của Đức chuẩn bị áp đặt trở lại các lệnh giới nghiêm ban đêm và giảm số trẻ em tại các nhà trẻ từ tuần tới. Các sự kiện văn hóa nghệ thuật ở châu Âu cũng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Theo đó, cuộc thi giọng hát hay châu Âu Eurovision năm 2021 dự kiến diễn ra tại thành phố Rotterdam của Hà Lan vào tháng 5 tới sẽ hạn chế số lượng khán giả xem trực tiếp ở mức tối đa 3.500 khán giả. Tại Anh, Ban tổ chức lễ hội âm nhạc Glastonbury thông báo chương trình biểu diễn âm nhạc có sự tham gia của nhóm nhạc Coldplay sẽ được tổ chức theo hình thức livestream vào ngày 22/5, tức 1 tuần sau khi các lệnh cấm sự kiện tổ chức ngoài trời hết hiệu lực.
Tại châu Á, Nhật Bản áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm từ ngày 5/4 tại 3 địa phương gồm Osaka, Hyogo và Miyagi. Các biện pháp cụ thể là giới hạn thời gian kinh doanh của các nhà hàng ăn uống tối đa đến 20 giờ, hạn chế sử dụng dịch vụ karaoke; hạn chế số người tham gia các sự kiện ở mức tối đa là 5.000 người; tăng cường làm việc từ xa. Quyết định được Chính phủ Nhật Bản đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ tư.
Ở Đông Nam Á, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã ban hành nghị định mới về các biện pháp phòng dịch, trong đó có một số hạn chế đối với người dân và hoạt động kinh doanh như lệnh giới nghiêm tại một số khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch.
Tại thủ đô Phnom Penh, chính quyền đã ban bố lệnh giới nghiêm trong khung giờ từ 20h đến 5h sáng hôm sau, tạm ngừng hoạt động kinh doanh và tụ tập đông người trong thành phố, trong có cấm cả các hoạt động giao thông, trừ các dịch vụ thiết yếu và giao đồ thực phẩm. Quyết định có hiệu lực trong hai tuần từ 1/4-14/4 tới.
Trong thông báo ngày 1/4, quan chức hàng đầu Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah công bố 9 ca mắc biến thể mới từ Nam Phi trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng ghi nhận trong 3 tháng đầu năm 2021. Hai trong số các ca liên quan biến thể mới là nhân viên của một công ty có trụ sở ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Hiện chưa xác định được nguồn lây của hai ca này. Tuy nhiên, ông Abdullah cho biết dường như 9 ca mắc biến thể mới có cùng nguồn lây.
Hiện Malaysia ghi nhận hơn 340.000 ca mắc COVID-19 và 1.278 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này phát hiện 1.178 ca mắc mới, trong đó có 10 ca nhập cảnh. Số ca tử vong cũng tăng 6 ca.
Còn tại Indonesia, Bộ Y tế nước này ngày 1/4 xác nhận thêm 6.142 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca mắc lên 1.517.854 ca. Trong khi đó, số ca tử vong tăng 196 ca lên 41.054 ca.
Cũng theo thông báo, với thêm hơn 7.200 ca được điều trị khỏi và xuất viện, đến nay tổng số ca phục hồi ở Indonesia là 1.355.578 ca. Hiện dịch COVID -19 đã lan ra tất cả 34 tỉnh của nước này.