Theo Bộ trưởng Y tế Burkina Faso, Claudine Lougue, 2 bệnh nhân trên, là một cặp vợ chồng, trở về nước sau chuyến đi Pháp và hiện cả 2 người đang được cách ly.
Cùng ngày, truyền hình nhà nước Saudi Arabia đưa tin Bộ Y tế Saudi Arabia đã thông báo về việc phát hiện thêm 5 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở nước này. Trong số này có 4 công dân Saudi Arabia được xác nhận mắc COVID-19, 3 người trong số họ đã trở về nước từ Iran và Iraq. Trường hợp thứ 5 là một người đàn ông Ai Cập. Như vậy, tính đến nay tại Saudi Arabia đã có tổng cộng 20 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Tại Ai Cập, với 4 ca nhiễm mới trong ngày 9/3, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này được ghi nhận đến nay là 59 người, trong đó có 1 ca tử vong. Theo giới chức y tế, trong số 4 ca nhiễm mới, 3 ca là người Ai Cập, một ca là người nước ngoài và đều có tiếp xúc với các trường hợp nhiễm trước đó. Sau điều trị, đã có 20 ca cho kết quả xét nghiệm âm tính lần đầu. Hiện những bệnh nhân này có sức khỏe ổn định và tiếp tục được cách ly theo dõi theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly (Mô-xta-pha Ma-bu-li) cùng ngày đã quyết định tạm dừng tổ chức các sự kiện tập trung đông người cho đến khi có thông báo mới. Quyết định này là một phần của các biện pháp phòng chống dịch mà Chính phủ Ai Cập đã áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Theo Bộ Y tế Ai Cập, nước này đã nâng mức cảnh báo tại các bệnh viện, sân bay và cảng biển cùng với việc đình chỉ các chuyến bay tới nhiều nước có dịch.
Trong khi đó, Bộ Y tế Nam Phi xác nhận nước này đã có thêm 4 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này lên 7 người. Tại buổi họp báo cùng ngày sau cuộc họp liên ngành bàn về các giải pháp ứng phó với dịch COVID-19, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize thông báo cả 4 trường hợp nhiễm mới và 3 trường hợp dương tính trước đó đều nằm trong nhóm du khách 9 người trở về từ Italy đầu tháng 3 này. 2 trường hợp còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm.
Theo Bộ trưởng Mkhize, hiện các lực lượng chức năng đang khoanh vùng và chuẩn bị thực hiện việc cách ly 84 cá nhân đã từng có tiếp xúc gần với nhóm người trên. Đến thời điểm hiện tại, Nam Phi đã tiến hành xét nghiệm khoảng 300 người.
Kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên hôm 5/3, các diễn biến của dịch COVID-19 tại Nam Phi vẫn trong vòng kiểm soát, do đó chính phủ nước này chưa xem xét ban bố lệnh cấm xuất nhập cảnh, đình chỉ các hoạt động giao thương quốc tế cũng như hủy các sự kiện lớn.
Một loạt các nước Trung Đông, Bắc Phi khác cũng ghi nhận các ca nhiễm mới, với Liban có tổng số ca nhiễm là 41, trong đó 9 ca mới. Qatar có 18 ca mắc, trong đó 3 ca mới. Oman có 18 ca, trong đó 2 ca nhiễm mới.
Trong khi đó, nhà chức trách Kuwait cùng ngày thông báo nước này tiếp tục kéo dài thời gian đóng cửa các trường học cho đến ngày 26/3 tới. Động thái trên được đưa ra do lo ngại dịch có thể bùng phát và lây lan ở nước này.
Tại Iraq, chính quyền Baghdad đã ban hành lệnh cấm tất cả các sự kiện tập trung đông người nơi công cộng. Chính phủ Iraq cũng kêu gọi người dân tránh đến thăm các thành phố và thánh địa linh thiêng của người Hồi giáo nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Giới chức Iraq cũng kêu gọi các công dân trở về từ các nước Iran, Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Kuwait và Bahrain ở trong nhà để tự cách ly trong 14 ngày.
Trong khi đó, Văn phòng Đại giáo chủ Iran cùng ngày thông báo, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã quyết định hủy bỏ buổi diễn thuyết thường niên đánh dấu thời điểm bắt đầu năm mới theo niên lịch của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp ở nước này mà cho đến nay đã có 237 trường hợp tử vong.