Dịch COVID-19: Đức, Pháp cảnh báo tình trạng phá sản của các doanh nghiệp

Bộ trưởng Kinh tế Đức và Pháp ngày 10/12 cảnh báo tình trạng ngày càng nhiều doanh nghiệp Đức và Pháp phá sản do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân thực hiện giãn cách xã hội nhằm chống dịch COVID-19 tại một siêu thị ở Berlin, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, tại Đức tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao kỷ lục trong vòng 24 giờ qua.

Theo phóng viên viên TTXVN tại Berlin, phát biểu với phóng viên báo Handelsblatt (Thương mại) của Đức và Les Échos (Tiếng vang) của Pháp ngày 10/12, Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Đức Peter Altmaier nêu rõ khủng hoảng dịch bệnh càng kéo dài, sẽ khiến nhiều doanh nghiệp bị phá sản.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire cũng cảnh báo về sự khởi đầu của một giai đoạn nguy hiểm với các doanh nghiệp, trong đó các công ty hoạt động trong những lĩnh vực dễ bị tác động như khách sạn, nhà hàng, văn hóa và thể thao cần phải được hỗ trợ đặc biệt. Tuy nhiên, ông Le Maire cũng trấn an người dân không nên lo ngại đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, cho rằng các ngân hàng đang áp dụng mọi biện pháp cần thiết để phòng vệ trước khủng hoảng, cũng như bảo vệ tài sản của người gửi tiết kiệm.

Bộ trưởng Đức cũng kêu gọi cần lấy Pháp làm mô hình mẫu để thực hiện các biện pháp phong tỏa cứng rắn ở Đức, nêu rõ Pháp đã đi đúng hướng và đạt được những thành công ấn tượng, trong khi Đức vẫn chưa thể cắt đứt được chuỗi lây nhiễm trong làn sóng lây nhiễm thứ hai hiện nay. Theo ông Altmaier, các bang khác ở Đức cũng nên theo các bang Sachsen, Bayern và Saarland áp đặt phong tỏa cứng để chặn đứng chuỗi lây nhiễm trong dịp Giáng sinh và đón Năm mới. Ngay trước đó, Thủ hiến bang Bayern Markus Söder tuyên bố sẽ áp đặt phong tỏa hoàn diện từ dịp lễ Giáng sinh cho tới ngày 10/1/2021 ở bang miền Nam nước Đức.

Cùng ngày 10/12, Bộ trưởng Lao động Liên bang Đức Hubertus Heil nhận định thị trường lao động Đức sẽ không bị ảnh hưởng lâu dài do đại dịch COVID-19. Theo ông, dịch bệnh đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất cho tới nay và việc cần làm lúc này là ngăn chặn thiệt hại lâu dài đối với thị trường lao động Đức. Ông cho rằng công cụ hỗ trợ việc làm ngắn hạn (Kurzarbeit) cần tiếp tục đóng vai trò quan trọng nhất trong nỗ lực hỗ trợ thị trường lao động, bởi thực tế cho thấy số trường hợp đăng ký trợ cấp việc làm ngắn hạn cao sẽ không dẫn tới gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Trong khi đó, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) sáng 10/12 cho biết tình hình dịch bệnh ở Đức ngày càng trở nên tồi tệ khi số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua đạt mức cao kỷ lục từ đầu dịch với gần 23.700 ca. Chủ tịch RKI Lothar Wieler cảnh báo tình hình đang hết sức đáng lo ngại khi số ca nhiễm mới tăng theo cấp số nhân, đồng thời cho rằng các biện pháp kiềm chế dịch hiện nay là chưa đủ hiệu quả. Hiện tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Đức đã lên tới hơn 20.300 người, trong đó cá biệt có những ngày ghi nhận tới gần 600 ca tử vong.

Mạnh Hùng (TTXVN)
Nhiều bang tại Đức siết chặt biện pháp kiểm soát dịch COVID-19
Nhiều bang tại Đức siết chặt biện pháp kiểm soát dịch COVID-19

Nhiều chế tài trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Đức đã có hiệu lực trở lại kể từ đầu tháng 11, song kết quả chưa được như kỳ vọng, khi số ca mắc mới và số trường hợp tử vong tại tất cả các bang tiếp tục tăng, vượt xa mục tiêu giữ ở mức dưới 50 ca nhiễm mới/100.000 dân trong vòng 7 ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN