Theo hãng tin Reuters (Anh), Chính phủ Nhật Bản coi một số ít nhà tắm công cộng đang hoạt động ở nước này có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc vệ sinh công cộng, vì vậy vẫn cho phép các nhà tắm mở cửa. Trong khi đó, Nhật Bản cũng khuyến cáo người dân nên ở nhà và ban bố tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-COV-2, đã khiến khoảng 1.000 người Nhật Bản tử vong.
“Mọi chi phí như trả lương cho nhân viên và nước nóng không thay đổi. Tuy nhiên, chúng tôi có ít khách hàng hơn”, anh Shimbo, 41 tuổi, chủ sở hữu nhà tắm Daikoku-yu ở phía đông bắc Tokyo, cho biết.
Đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến lượng khách đến nhà tắm công cộng giảm tới 60%. Bên cạnh đó, chi phí sửa sang lại các nhà tắm cũ kỹ đã khiến việc kinh doanh của anh rơi vào tình trạng bấp bênh.
Tắm suối nước nóng tự nhiên là một hoạt động giải trí phổ biến ở Nhật Bản. Theo truyền thống, phòng tắm công cộng, hay còn gọi là “sento”, thường phục vụ những khách hàng không có nhà tắm tại nhà. Các phòng tắm này chia thành hai khu, một khu dành cho nam giới và một khu dành cho nữ giới. Khách hàng sẽ tắm rửa sạch sẽ trước khi ngâm mình trong các bồn nước nóng thư giãn.
Ngoài ra, đây cũng được coi là nơi để người Nhật có thể thúc đẩy các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên hiện tại, khách hàng được khuyến khích không nên trò chuyện khi tắm để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
“Điều tuyệt vời nhất của văn hóa phòng tắm đó là không phân biệt địa vị, dù bạn có là một đứa trẻ hay người trưởng thành. Mọi người cũng đều như nhau. Nhưng chúng tôi vẫn cần phải thay đổi để tồn tại”, anh Shimbo nói.
“Những phòng tắm này rất tiện ích cho việc giao tiếp. Bạn có thể trò chuyện với bất cứ ai”, ông Kiyoshi Hiraoka, 83 tuổi, một khách hàng thân thiết của Daikoku-yu cho biết.
Năm 1968, Nhật Bản có đến 18.000 nhà tắm công cộng trên khắp đất nước. Tuy nhiên, nước này chỉ còn 2.000 phòng tắm trong thời điểm hiện tại. Sự suy giảm này là do những thay đổi trong xã hội bao gồm việc có nhiều gia đình đã xây dựng phòng tắm tại nhà hơn. Ngoài ra, dù các chủ nhà tắm công cộng đã trang bị thêm phòng tắm hơi, bồn tắm mát-xa và phòng tắm với không gian ngoài trời cũng không thể cạnh tranh với những spa chăm sóc sức khỏe.
Shimbo là một trong những thế hệ chủ sở hữu mới đang cố gắng duy trì nhà tắm truyền thống với những cải tiến hiện đại như chiếu phim trong phòng tắm,trang bị không gian làm việc chung ngoài hành lang hay vòi uống bia. Anh cũng dự định sẽ tổ chức các buổi biểu diễn hài kịch, nhạc sống và thành lập các lớp học yoga tại đây để hút khách.
Còn tại những nhà tắm khác ở Tokyo, anh Hisao Iwasaki cho rằng nhà tắm Tomo no Yu mà anh sở hữu có thể tồn tại là do có hành lang rộng rãi với những con mèo đáng yeu. Mặc dù vậy, vợ anh, cô Eiko, cho biết khách hàng đã giảm một nửa khi Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp vì COVID-19.
Shimbo hy vọng hơn một nửa trong số 18 nhà tắm của anh vẫn sẽ mở cửa sau 5 năm nữa. Anh cũng mong muốn bằng cách cải tạo một nhà tắm khác trong khu phố của mình, anh có thể giúp các chủ phòng tắm khác hướng đến một giải pháp sinh tồn mới.
“Một nhà tắm sẽ có thêm chỗ nghỉ ngơi, ăn uống. Nếu chúng ta biến đây thành một mô hình kinh doanh thành công, những người khác có thể làm điều đó và duy trì các nhà tắm tiếp tục tồn tại”, ông nói.
Kế hoạch cải tạo các khu nhà tắm cũ kỹ đã bị hoãn lại bởi đại dịch COVID-19, khách hàng đã giảm đi trong khi vốn kinh doanh lại không đổi. Tuy nhiên, anh Shimbo vẫn nỗ lực gây quỹ để duy trì kế hoạch của mình và đã thu được 66.269 USD - nhiều hơn gấp đôi mục tiêu mà anh đặt ra.
“Tôi không chắc chắn rằng chúng tôi sẽ có thể thành công thông qua việc này. Nhưng việc ủng hộ của mọi người thực sự mang lại cho tôi sự can đảm. Nó cho tôi thấy mọi người cũng mong muốn văn hóa phòng tắm tiếp tục phát triển”, anh Shimpo nói.