Đây là nội dung báo cáo của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) công bố ngày 18/6.
Báo cáo của UNHCR cho thấy tới cuối năm 2020, có tới 82,4 triệu người đang sống trong cảnh tị nạn, xin tị nạn hoặc phải sơ tán trong nước, tăng gấp đôi so với khoảng 40 triệu trong năm 2011. Số người di cư trên toàn cầu đã tăng khoảng 3 triệu trong năm 2020, đưa tổng số người phải rời bỏ nhà cửa lên 1% nhân loại.
Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi nhấn mạnh trong đại dịch COVID-19, mọi hoạt động phải dừng lại, trong đó có cả kinh tế, nhưng chiến tranh, xung đột và tình trạng phân biệt và ngược đãi vẫn tiếp tục tồn tại, khiến người dân vẫn phải ra đi. Hàng triệu người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa do hậu quả của các cuộc đàn áp, xung đột.
Báo cáo nhấn mạnh các cuộc khủng hoảng kéo dài như tại Syria, Afghanistan, Somalia và Yemen tiếp tục buộc người dân phải chạy trốn, trong khi việc bùng nổ bạo lực tại những nơi như Ethiopia và Mozambique đang làm gia tăng tình trạng di cư. Năm 2020, ít nhất 164 nước đóng cửa biên giới do dịch COVID-19 và hơn một nửa không chấp nhận người tị nạn và di cư.
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi tất cả các khía cạnh của cuộc sống con người và làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện có đối với những người phải di cư và những người không quốc tịch. Ông Grandi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới và những người có ảnh hưởng gạt sang một bên các bất đồng, chấm dứt cách tiếp cận ích kỷ và thay vào đó tập trung vào ngăn chặn và giải quyết xung đột và đảm bảo tôn trọng nhân quyền.