Dấu hiệu không lạc quan của nền kinh tế Mỹ

Trong bối cảnh các đơn đặt hàng mới và thuê mướn nhân công tại các nhà máy sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 12/2018 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua.

Chú thích ảnh
Các container hàng hóa của Trung Quốc tại Cảng Long Beach, ở Los Angeles, Mỹ ngày 29/9/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều này cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đã không tránh khỏi tác động của tốc độ tăng trưởng đang chậm lại tại Trung Quốc và châu Âu. 

Khảo sát của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) Mỹ công bố ngày 3/1 cho thấy hầu hết các yếu tố của hoạt động sản xuất tại Mỹ, từ sản xuất, phân phối và thuê nhân công, đều sụt giảm trong tháng 12 vừa qua. Theo đó, chỉ số sản xuất quốc gia đã giảm 5,2 điểm xuống còn 54,1 điểm - mức thấp kỷ lục kể từ tháng 11/2016. Đây cũng là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2008 - thời điểm nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. 

Theo ISM, nguyên nhân chính kéo chỉ số sản xuất quốc gia giảm điểm là các đơn đặt hàng ít đi. Thống kê cho thấy các đơn đặt hàng mới trong tháng 12/2018 giảm tới 11 điểm so với tháng trước đó, xuống còn 51,1 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 8/2016. Trong khi đó, tỷ lệ thuê nhân công tại các nhà máy Mỹ cũng giảm. 

Giới phân tích cho rằng nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất tại Mỹ bị ảnh hưởng là do việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế bổ sung đối với mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu cũng như một loạt hàng hóa Trung Quốc. Bản thân các nhà sản xuất thiết bị vận tải cũng như các nhà sản xuất máy móc Mỹ thừa nhận tình hình kinh tế và cuộc chiến thuế quan khiến nhu cầu của khách hàng tiếp tục giảm đi cũng như gây ra những quan ngại dài hạn về chi phí và các chiến lược nguồn đối với hoạt động sản xuất. Trong khi đó, các nhà sản xuất đồ điện tử và máy tính khẳng định tăng trưởng dường như đã chững lại. 

Hoạt động sản xuất của Mỹ không chỉ bị ảnh hưởng từ thuế quan - vốn khiến chi phí đầu vào tăng lên mà còn do đồng USD tăng giá, thiếu lao động có kỹ năng và tăng trưởng chậm lại tại một số nền kinh tế trong đó có Trung Quốc. Trong khi đó, số liệu thống kê tuần này cho thấy hoạt động sản xuất trong tháng 12/2018 đã giảm hầu hết tại châu Âu, châu Á, trong đó hoạt động sản xuất tại Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong 19 tháng qua. 

Các số liệu trên cùng với việc thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh, có thời điểm chỉ số công nghiệp Dow Jones mất tới hơn 600 điểm, khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2019 u ám hơn. Dẫu vậy, các nhà kinh tế vẫn nhận định sẽ không xảy ra suy thoái. Theo một số nhà kinh tế, việc thắt chặt các điều kiện thị trường tài chính có thể khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) không tăng lãi suất trong năm 2019.

Ngọc Hà (TTXVN)
Kinh tế Mỹ đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2019
Kinh tế Mỹ đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2019

Các chuyên gia kinh tế nhận định, sau một năm phục hồi, kinh tế Mỹ có thể đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN