Đặt lên bàn cân năng lực chiến tranh hiện tại của Triều Tiên

Lo ngại trước mối đe dọa Triều Tiên đối với hòa bình thế giới mỗi ngày tăng một đáng kể trong bối cảnh các nước lớn thất bại trong việc kìm hãm tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á này.

Tướng lĩnh quân đội vây quanh chúc mừng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters/KCNA

Mặc dù giới chuyên gia có những con số khác nhau về lượng vũ khí hạt nhân hiện giờ Triều Tiên sở hữu, một số người cho rằng Bình Nhưỡng chỉ có khoảng 15-20 vũ khí hạt nhân, một số người thì lấy số liệu tình báo Mỹ khẳng định con số rơi vào khoảng 30-60, tuy nhiên không một ai nghi ngờ Triều Tiên đã phát triển được công nghệ tạo bom mạnh hơn rất nhiều trong khoảng thời gian gần đây.

Theo Đài Sputnik, từ lần thử hạt nhân tháng 10/2006 cho đến quả bom nhiệt hạch tháng 9/2017, sức mạnh của mỗi vụ nổ lớn dần hơn theo thời gian. Phân tích hoạt động địa chất sau lần thử bom nhiệt hạch 3/9, giới quan sát kết luận sức nổ có thể vượt quá 100 kiloton, gấp nhiều lần so với quả bom nguyên tử 16 kiloton Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945.

Bên cạnh việc sở hữu vũ khí hạt nhân đáng sợ, quốc gia phía bắc Bán đảo Triều Tiên còn thử một loạt tên lửa, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Theo báo Defense One, giới phân tích ước tính quả ICBM Hwasong-15 mới thử sáng 29/11 có tầm bắn lên tới gần 13.000 km và có khả năng vươn xa tới bất kỳ nơi nào thuộc lục địa Mỹ, nếu như được phóng quỹ đạo chuẩn.

Một bản báo cáo tình báo mật của Mỹ đưa ra trong tháng 7/2017 kết luận Triều Tiên đã phát triển công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân vừa với tên lửa đạn đạo. Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Middlebury nhận xét: “Chúng ta phải học cách sống chung với khả năng của Triều Tiên nhắm vào Mỹ với vũ khí hạt nhân”.

Từ khi lên nắm quyền đến nay, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh thực hiện hơn 80 vụ phóng thử tên lửa cùng 4 lần thử hạt nhân.

Tuy nhiên, độ chính xác của tên lửa đạn đạo Triều Tiên vẫn chưa được thẩm định. Trong khi một số nhà phân tích cho rằng tên lửa Triều Tiên phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống dẫn đường lỗi thời và không chính xác, thì một số nhân vật đào tẩu và chuyên gia khác lại khẳng định Bình Nhưỡng đã bắt đầu sử dụng hệ thống dẫn đường GPS.


Không chỉ có vậy, Triều Tiên còn bị nghi ngờ sở hữu một kho vũ khí hóa học có trọng lượng lên tới 5.000 tấn chất hóa học bao gồm sulfur, khí mustard, chlorine, chất độc sarin và chất độc thần kinh VX cùng vũ khí sinh học đem theo virus các bệnh dịch.

Về mặt năng lực quân sự truyền thống, Triều Tiên hiện là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới có quy mô quân sự lớn nhất, với hơn 1,1 triệu binh sĩ trong lực lượng vũ trang (chiếm gần 5% dân số quốc gia). Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ ghi nhận năm 2015, quân đội Triều Tiên có hơn 1.300 máy bay chiến đấu, gần 300 trực thăng, 430 tàu chiến đấu, 250 tàu đổ bộ, 70 tàu ngầm, 4.300 xe tăng, 2.500 xe bọc thép và 5.500 súng phóng tên lửa đa nòng.

Mặc dù giới chuyên gia quốc phòng nhấn mạnh các trang thiết bị và công nghệ của Bình Nhưỡng đã lỗi thời song nó vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng tới quốc gia láng giềng phía nam. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từng cảnh báo chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên sẽ là một “thảm họa” và Triều Tiên là mối đe dọa “nguy hiểm và cấp thiết nhất đối với an ninh và hòa bình thế giới”.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Thế giới tuần qua: Dư luận sôi sục vì tên lửa Triều Tiên; nước Anh chờ đón đám cưới Hoàng gia
Thế giới tuần qua: Dư luận sôi sục vì tên lửa Triều Tiên; nước Anh chờ đón đám cưới Hoàng gia

Vụ phóng tên lửa bất ngờ của Triều Tiên kèm theo lời tuyên bố chính thức thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo có khả năng bao trùm lục địa Mỹ và việc Hoàng tử Anh Harry sắp lấy một nữ diễn viên người Mỹ là hai sự kiện đáng chú ý trong tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN