IS "tẩy não" trẻ em, biến chúng thành những "chiến binh nhí". Ảnh: Dailymail
|
Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn báo cáo trên, cho biết
IS không phải là tổ chức khủng bố đầu tiên sử dụng trẻ em làm "bia đỡ đạn". Theo Văn phòng đại diện LHQ về trẻ em và xung đột vũ trang, có tới 7 lực lượng cùng 50 tổ chức huấn luyện và sử dụng trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang. Chúng lợi dụng trẻ em vì nhiều lý do như chi phí rẻ, trẻ em chưa có nhận thức đầy đủ nên càng đào tạo sớm thì càng dễ định hình tính cách theo mục đích khủng bố và khi lớn lên các trẻ này sẽ tiếp nối việc truyền bá tư tưởng thánh chiến, thậm chí còn nguy hiểm hơn thế hệ trước với việc sẵn sàng đánh bom tự sát hoặc trở thành những "cỗ máy" giết người hàng loạt trong tương lai.
Nhóm tác giả của báo cáo trên đã nghiên cứu và mô tả chi tiết phương thức IS sử dụng để đào tạo một thế hệ chiến binh trong thời gian trung hạn. Chúng đặc biệt chú ý tới những trẻ mồ côi để tránh việc một ngày nào đó các em có thể tìm lại nguồn gốc của mình.
Tại Syria, nhiều trẻ em từ 5 đến 10 tuổi bị IS bắt và đưa tới học trong các trại tôn giáo, trẻ từ 10 đến 15 tuổi bị đưa đi huấn luyện trong các trại lính. IS áp đặt một hệ thống giáo dục lệch lạc khi loại bỏ hết các môn học như lịch sử, triết học, khoa học xã hội... và thay vào đó bắt các trẻ nhỏ học Kinh Koran, đạo một thần, kỷ luật... Sau khi hoàn tất việc học tiếng Arập và Kinh Koran, các trẻ nhỏ sẽ phải luyện tập thể lực, học bắn súng và giao đấu bằng tay không để trở thành tình báo, lính chiến hoặc đao phủ.
Chấn thương, lệch lạc, vô cảm, biến đổi phát triển tâm sinh lý, sử dụng ma túy... là các hậu quả của việc IS không ngừng gia tăng gieo rắc, nhồi nhét tư tưởng cực đoan, bạo lực đối với các trẻ nhỏ. Không những bị "tẩy não", IS còn làm tổn thương lòng tự trọng của các trẻ này để khi lớn lên, các em không còn lựa chọn nào khác ngoài trở thành chiến binh thánh chiến. Do vậy, một thách thức lớn được đặt ra là xã hội sẽ phải tìm cách chữa lành chấn thương tâm lý cho các trẻ nhỏ này để các em có thể hòa nhập được với cộng đồng, xóa đi được mặc cảm bị kỳ thị một khi được đưa trở lại cuộc sống bình thường.