Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Schumer nêu rõ: "Không may và đáng buồn là có quá nhiều thành viên đảng Cộng hòa dường như cảm thấy tự hào vào thời điểm này khi họ đang đẩy (nước Mỹ) bên bờ vực vỡ nợ và có thể bị hạ xếp hạng tín nhiệm".
Ông cho biết hiện các hãng xếp hạng tín nhiệm đều nói về khả năng hạ xếp hạng của Mỹ trước ngày 18/10 và việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới người tiêu dùng, các doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ. Ông nhấn mạnh tác động của lần kinh tế Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm gần đây nhất là vào tháng 8/2011 đã kéo dài trong nhiều năm sau đó.
Trước đó, cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo kịch bản vỡ nợ của Mỹ nếu xảy ra có thể khơi mào cho cuộc suy thoái kinh tế.
Trả lời phỏng vấn đài CNBC ngày 5/10, Bộ trưởng Janet Yellen cho biết hoàn toàn dự đoán được nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế nếu nước Mỹ vỡ nợ. Bà Yellen nhấn mạnh: “Tôi xem ngày 18/10 như một hạn chót. Sẽ là thảm họa nếu không chi trả các hóa đơn của chính phủ”.
Trong nhiều năm qua, nâng trần nợ công là một vấn đề gây tranh cãi trong Quốc hội Mỹ. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối kế hoạch chi tiêu đầy tham vọng của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng tài chính, đồng thời kêu gọi phải có nguyên tắc tài chính. Nguy cơ chính phủ phải ngừng hoạt động đã trở thành nỗi ám ảnh trong các cuộc thương lượng về ngân sách tại Quốc hội Mỹ. Tổng thống Biden đang thúc đẩy hai gói chi tiêu khổng lồ trị giá 1.000 tỷ USD và 3.500 tỷ USD cho các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy an sinh xã hội.
Các Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa đang muốn ép đảng Dân chủ phải sử dụng quy trình đặc biệt để thông qua dự luật với đa số phiếu (51/100 ghế), thay vì ít nhất 60/100 ghế tại Thượng viện. Đảng Cộng hòa được cho là không muốn chịu trách nhiệm cho những chỉ trích về việc phung phí ngân sách trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra vào năm 2022.