Phát biểu tại cuộc họp báo sau các cuộc đàm phán ở Geneva, Thụy Sĩ, Đặc phái viên Salame nhấn mạnh hiện các bên vẫn còn tồn tại vài điểm bất đồng. Ông khẳng định dù chưa họp bàn cùng nhau, nhưng các phe đối địch tại Libya vẫn tham gia vào nỗ ngoại giao con thoi trong các cuộc họp riêng rẽ. Ông đánh giá cao tinh thần chuyên nghiệp của hai bên khi thảo luận về các điểm kỹ thuật trong lệnh ngừng bắn, đồng thời hy vọng thỏa thuận sẽ đạt được trước khi các phái đoàn rời Geneva. Về việc giám sát lệnh ngừng bắn, ông cho biết cả hai bên chấp thuận việc Ủy ban quân sự chung sẽ tham gia giám sát lệnh ngừng bắn tại Libya dưới sự bảo trợ của LHQ.
Cuộc họp trên đã diễn ra từ ngày 3/2 vừa qua dưới sự bảo trợ của LHQ. Tham gia đàm phán lần này có 5 quan chức quân sự của Quân đội miền Đông Libya (LNA) do Tướng Khalifa Hafta chỉ huy và 5 nhân vật từ các lực lượng thân với Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) được LHQ công nhận nhận tại Tripoli. Dự kiến hai bên sẽ tiến hành thảo luận về hợp tác kinh tế tại Cairo, Ai Cập vào ngày 9/2 và đàm phán chính trị nhằm giải quyết xung đột tại tại Geneva vào ngày 26/2 tới.
Trước đó, tại Hội nghị quốc tế về Libya ở thủ đô Berlin, Đức vào tháng 1/2019, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết chấm dứt mọi sự can thiệp của nước ngoài và duy trì lệnh cấm vận vũ khí nhằm kết thúc cuộc nội chiến kéo dài tại đất nước giàu dầu mỏ này. Tuy nhiên, ông Salme cảnh báo lệnh cấm vận này đang bị vi phạm khi có nhiều vũ khí, đạn được và máy bay chiến đấu do nước ngoài đưa đến hỗ trợ hai bên trong cuộc xung đột.
Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng. GNA được LHQ công nhận và được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar đứng đầu quân đội miền Đông được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ đồng thời nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp. Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4/2019, Tướng Haftar bắt đầu các cuộc tấn công vào thủ đô Tripoli. Quân đội của tướng Haftar đã kiểm soát nhiều khu vực của Libya, trong khi GNA chỉ kiểm soát một phần nhỏ của đất nước.