Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan ngổn ngang mối lo an ninh sau lệnh rút quân

Trong bối cảnh cuộc chiến dài nhất lịch sử nước Mỹ sắp đi đến hồi kết, Đại sứ quán Mỹ và các phái đoàn ngoại giao tại thủ đô Kabul (Afghanistan) liên tục phải quan sát tình hình an ninh để có phương thức ứng phó một cách thích hợp nhất.

Chú thích ảnh
Khuôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Kabul nhìn từ xa. Ảnh: AP

Dẫn lời một phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ, hãng tin AP cho biết công tác đánh giá tình hình an ninh thường xuyên được tổ chức trong những ngày gần đây. Nữ phát ngôn viên giấu tên cho hay Đại sứ quán Mỹ đã cắt giảm quy mô xuống còn 1.400 nhân sự và khoảng 4.000 nhân viên làm việc trong khu tổ hợp có diện tích ngang bằng một thị trấn nhỏ.

Nằm bên trong Vùng xanh của Kabul - khu vực tập trung nhiều đại sứ quán và trụ sở của nhiều công ty nước ngoài, Đại sứ quán Mỹ được bảo vệ nghiêm ngặt với những bức tường khổng lồ chống cháy nổ bao quanh và lực lượng an ninh Afghanistan.

Tuyến đường rút lui duy nhất của lực lượng Mỹ tại Afghanistan là sân bay quốc tế Hamid Karzai – hiện được binh sĩ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ. Trước khi Mỹ tuyên bố hoàn thành quá trình rút quân, các bên phải ra quyết định liên quan việc đảm bảo an toàn cho sân bay. Ankara vẫn đang trong quá trình đàm phán với Washington, Liên hợp quốc và chính quyền Afghanistan để quyết định bên nào sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ sân bay. Cho đến thời điểm hiện tại, sân bay vẫn được vận hành mà không bị gián đoạn, trừ các biện pháp hạn chế áp dụng nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Do lo ngại về an ninh, nữ phát ngôn viên Mỹ cho biết bà không thể tiết lộ kế hoạch sơ tán đối với các nhân viên ngoại giao Mỹ tại Kabul, song khẳng định Đại sứ quán Mỹ đã vạch chi tiết kế hoạch cho mọi tình huống xấu nhất.

Chú thích ảnh
Bức tường chống bom, mìn bao quanh sân bay quốc tế Hamid Karzai - đường thoát duy nhất cho công dân và phái đoàn ngoại giao Mỹ ra khỏi Afghanistan. Ảnh: AP

Trước đây, Đại sứ quán Mỹ tại Kabul từng đóng cửa vào năm 1989, thời điểm quân đội Liên Xô rút khỏi sau cuộc đàm phán chấm dứt cuộc chiến 10 năm tại Afghanistan. 

Lực lượng Taliban đã từng tuyên bố họ không tìm cách tiếp quản quân sự đối với Kabul. Tuy nhiên, không lâu sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố vào giữa tháng 4 rằng quân đội Mỹ sẽ rút quân trước ngày 11/9, người đồng cấp Afghanistan Ashraf Ghani bày tỏ lo ngại lực lượng Afghanistan có thể không thể bảo vệ được tất cả các cơ quan ngoại giao ở Kabul. Thậm chí còn có quan chức gợi ý các đại sứ quán nhỏ hơn nên chuyển đến khu nhà của Đại sứ quán Mỹ để được bảo vệ chung.

Phản ứng trước tình hình an ninh hỗn loạn, Đại sứ quán Mỹ đã ra chỉ thị “phong tỏa ngay lập tức”, hạn chế nhân viên ngoại giao đi lại. Ngày 27/4, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi toàn bộ công dân Mỹ không nên đến Afghanistan vì dịch COVID-19, tội phạm, khủng bố, bất ổn dân sự, bắt cóc và xung đột vũ trang. Afghanistan bị xếp vào các nước thuộc mức độ cảnh báo số 4 của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhóm cảnh báo cao nhất với khuyến cáo “không được đến”.

Những công dân Mỹ muốn rời khỏi Afghanistan được khuyến khích rời đi sớm nhất có thể bằng các chuyến bay thương mại vì các phương án sơ tán là cực kỳ hạn chế do thiếu cơ sở hạ tầng và an ninh bất ổn.

Bên cạnh Đại sứ quán Mỹ, Đại sứ quán Australia đã tạm thời đóng cửa và hầu hết các đại sứ quán phương Tây khác cũng đều cắt giảm nhân sự.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Đức cấp hàng nghìn thị thực cho nhân viên người Afghanistan
Đức cấp hàng nghìn thị thực cho nhân viên người Afghanistan

Ngày 6/7, Bộ Ngoại giao Đức thông báo cho tới nay đã cấp 2.400 thị thực cho nhân viên người Afghanistan cùng thân nhân của họ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN