Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, ông Mohib nhấn mạnh: "Chúng tôi đang từng bước giải quyết việc này, không có vấn đề gì". Ông giải thích Chính phủ Afghanistan đã trông đợi và chuẩn bị cho việc các binh sĩ nước ngoài rời đi trước năm 2024, vì vậy Kabul cũng được kỳ vọng sẵn sàng quản lý sân bay này vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, việc rút quân chính thức đã bắt đầu vào tháng 5 năm nay và Mỹ đang lên kế hoạch hoàn thành việc rút lực lượng của mình vào cuối mùa Hè này, nên một số khóa đào tạo - ví dụ, dành cho kiểm soát viên không lưu - vẫn chưa hoàn thành. Theo ông Mohib, cần có một giai đoạn chuyển tiếp, trong đó một nước thành viên NATO - "mà Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác hoàn hảo để làm điều đó" - có thể tham gia quản lý sân bay này cho đến khi người Afghanistan sẵn sàng tiếp quản.
Sau khi lực lượng NATO rút khỏi Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị quản lý và bảo vệ sân bay Kabul kèm theo yêu cầu hỗ trợ tài chính và hậu cần cho việc này. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết Ankara và Washington đã thảo luận về sự sắp xếp này, nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng và hai bên đang có kế hoạch tiếp tục thảo luận về an ninh của sân bay quốc tế Kabul sau khi Mỹ rút quân.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết từ ngày 1/5 đến ngày 11/9 tới sẽ hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan với sự phối hợp đầy đủ của các đồng minh. Năm 2020 tại Doha, Qatar, Mỹ và lực lượng Taliban đã ký kết thỏa thuận hòa bình đầu tiên sau hơn 18 năm xung đột.
Thỏa thuận này quy định việc rút quân đội nước ngoài khỏi Afghanistan trong vòng 14 tháng và bắt đầu đối thoại liên Afghanistan sau khi trao đổi tù nhân. Tuy nhiên, sau khi Mỹ thông báo kế hoạch rút quân, tình hình tại Afghanistan xấu đi do lực lượng Taliban đã đẩy mạnh các vụ bạo lực trên khắp Afghanistan, làm dấy lên quan ngại về khả năng chính quyền Kabul đối phó với các vụ tấn công.