Mỹ đã khánh thành Đại sứ quán mới ở Jerusalem vào ngày 14/5, công trình này nằm tại khu Arnona thuộc phía Nam thành phố với dân cư chủ yếu là người Do Thái.
Biển chỉ đường tới đại sứ quán của Mỹ ở Jerusalem. Ảnh: AFP |
Arnona tọa lạc ở giữa Tây Jerusalem và khu vực có tên gọi “Vùng đất không của ai” vốn hình thành vào cuối cuộc chiến tranh giữa Israel và các quốc gia Arab năm 1948.
Vào tháng 2 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert xác nhận địa điểm đặt đại sứ quán mới “nằm ở Tây Jerusalem và nơi được gọi là "Vùng đất không của ai”.
Sau khi đình chiến năm 1949, lực lượng Israel kéo về phía Tây của đường ranh giới đã được thống nhất trong khi Jordan ở phía Đông. Một số khu vực nằm giữa vùng phân định này được gọi là “Vùng đất không của ai” (vành đai trắng).
Một trong những địa điểm này nằm ở giữa khu dân cư Do thái ở Thành Cổ Jerusalem và ngôi làng của cộng đồng người Arab ở phía Đông. Nơi đây vẫn đóng vai trò là "vùng phi quân sự" nhưng sau đó có nhiều thay đổi từ cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, khi Israel chiếm Bờ Tây và sau đó bành trướng thêm diện tích và sáp nhập một số ngôi làng của người Arab.
Ở thời điểm đó cộng đồng quốc tế đã không công nhận hành động của Israel, trong khi Palestine vẫn kiên trì khẳng định chủ quyền với Đông Jerusalem và coi đây là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.
Nabil Shaath, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Palestine, đánh giá rằng việc Mỹ chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem có thể làm rắc rối thêm cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai. Phát biểu với hãng thông tấn Reuters (Anh), ông Shaath nhấn mạnh: “Đặt đại sứ quán ở 'Vùng đất không của ai' là vi phạm việc phân chia địa lý, nhân khẩu của Jerusalem”.
Vào một ngày đẹp trời, từ con phố đặt đại sứ quán mới của Mỹ hoàn toàn có thể quan sát rõ Biển Chết và Jordan. Nhà văn Amos Oz trong cuốn sách phát hành năm 2002 từng miêu tả về vùng đất này: “Biển Chết lấp lánh từ xa tựa như đĩa thép nóng chảy… Tôi có thể thấy họ ở đó, ở tận cùng thế giới, bên bờ vực của hoang vu”.
Cụ ông người Palestine Mohammad Jadallah (96 tuổi) tại làng Sur Baher gần địa điểm đặt đại sứ quán mới của Mỹ hồi tưởng lại rằng thế hệ cha ông từng cuốc xới đất ở khu vực đó. Ông Jadallah chia sẻ: “Mọi thứ đã thay đổi. Ngày nay đại sứ quán Mỹ lồ lộ tại đây, họ đang chống lại người Arab và Palestine”.