'Đại sứ Mỹ xuyên tạc chính sách đối ngoại của Nga'

Ngày 28/5, Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul vi phạm nghi thức ngoại giao và xuyên tạc chính sách đối ngoại của nước này.

 

Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul vi phạm xuyên tạc chính sách đối ngoại của nước này. Nguồn: Internet.

 

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ việc Đại sứ McFaul, tại một cuộc gặp với sinh viên ngày 25/5 vừa qua ở Mátxcơva, nói rằng Nga đã "mua chuộc" giới lãnh đạo Cưgơrưxtan với cái giá cao gấp 10 lần số tiền mà Oasinhtơn đề nghị để họ "tống khứ" binh sĩ Mỹ khỏi căn cứ quân sự Manas trên lãnh thổ Cưrơgưxtan, thực chất là sự "cố tình bóp méo" một số phương diện đối thoại Nga - Mỹ. Bên cạnh đó, Mátxcơva còn chỉ trích gay gắt Đại sứ McFaul về một số bình luận khác liên quan đến lập trường của Nga khi thảo luận các vấn đề quốc tế nóng bỏng, cũng như cáo buộc ông này xuyên tạc quan điểm của Mátxcơva trong các vấn đề về Iran hay CHDCND Triều Tiên.

 

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Mátxcơva lấy làm tiếc vì đây không phải là lần đầu tiên các tuyên bố hay hành động của ông McFaul gây ra "sự hoang mang". Hồi đầu năm, vị đại sứ mới của Mỹ tại Nga đã bày tỏ quan ngại rằng email và các cuộc gọi của ông có thể đã bị xem lén. Mátxcơva cho rằng trên cương vị Đại sứ Mỹ tại Nga, ông Mắc Phôn nên nỗ lực để thúc đẩy mối quan hệ song phương phát triển thay vì đưa ra những câu chuyện "tầm phào" cho giới truyền thông.

 

Trong một động thái liên quan, cùng ngày,đại diện Bộ Ngoại giao Nga phụ trách các vấn đề nhân quyền, dân chủ và luật pháp Konstantin Dolgov đã chỉ trích báo cáo nhân quyền năm 2011 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 25/5, cho rằng phần nói về Nga là "không khách quan". Ông Dolgov nhấn mạnh rằng Mátxcơva lấy làm tiếc vì các đối tác Mỹ đã cố tình lờ đi khối lượng công việc đồ sộ mà giới lãnh đạo Nga đang làm để hoàn thiện hệ thống chính trị và pháp luật, cải cách các cơ quan bảo vệ pháp luật, đấu tranh chống tham nhũng...

 

Theo ông Dolgov, Mỹ vẫn sử dụng "tiêu chuẩn kép" trong vấn đề nhân quyền để phục vụ lợi ích chính trị của Oasinhtơn, minh chứng là bản báo cáo này đã không lên án Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vi phạm nhân quyền trong chiến dịch không kích Libi.

 

 

TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN