Theo văn phòng Thủ tướng Israel, trong cuộc gặp kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về những diễn biến trong khu vực và tình hình ở Gaza. Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Ai Cập thông báo hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận các biện pháp khôi phục tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Ai Cập cho biết Tổng thống Sisi đã nói với Thủ tướng Netanyahu rằng "một giải pháp cuối cùng và công bằng cho vấn đề người Palestine sẽ góp phần tạo ra tình hình mới ở Trung Đông".
Cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo trên diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình rầm rộ của người Palestine dọc biên giới Gaza với Israen trong những tháng gần đây đã dẫn tới các vụ đụng độ đẫm máu với binh lính Israel, có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột mới. Trước đó, ngày 25/9, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo rằng nền kinh tế Dải Gaza vốn đã kiệt quệ sau hơn một thập kỷ chịu sự cấm vận của Israel, hiện đang trong tình trạng "rơi tự do". Nền kinh tế này lại càng thêm điêu đứng sau khi Mỹ mới đây quyết định cắt giảm hơn 500 triệu USD trợ cấp cho Palestine. Thêm vào đó, chính quyền Palestine cũng cắt giảm chi trả cho Dải Gaza như một biện pháp giảm nguồn tài chính cho phong trào Hồi giáo Hamas đối lập đang kiểm soát khu vực này.
Gaza nằm giữa Israel và Ai Cập, nước hiện cùng LHQ đang tìm cách làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn lâu dài giữa Israel và Phong trào Hamas. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã rơi vào bế tắc trong những tuần gần đây. Ai Cập còn đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán hòa giải giữa Phong trào Hamas và Phong trào Fatah của Tổng thống Palestine Mahmud Abbas trong thập kỷ qua. Ai Cập là nước Arab đầu tiên ký hiệp ước hòa bình với Israel năm 1979.