Trả lời phỏng vấn chương trình "Face the Nation" của đài CBS, ông Lighteizer nêu rõ: "Thỏa thuận này không chỉ về mua nông sản và các mặt hàng khác. Cách hiểu về thỏa thuận này là đây là một bước đầu tiên trong việc cố gắng hòa nhập 2 hệ thống rất khác nhau vì lợi ích của cả hai bên".
Thỏa thuận được công bố ngày 13/12 vừa qua bao gồm các nội dung về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, các dịch vụ tài chính và tiền tệ. Mặc dù không cho biết chính xác ngày chính thức ký thỏa thuận, song ông Lighthizer cho rằng có thể vào đầu tháng 1/2020.
Sau khi thông báo đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 giúp giải quyết bất đồng đẩy 2 nước vào một cuộc chiến thương mại kéo dài suốt 21 tháng qua, cả Washington và Bắc Kinh ngay sau đó tuyên bố sẽ ngừng áp thuế với hàng hóa nhập khẩu của nhau kể từ ngày 15/12.
Theo đó, Mỹ sẽ hạn chế áp thuế bổ sung với hàng hóa Trung Quốc, song vẫn duy trì mức thuế 25% đã áp trước đây. Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ hoãn kế hoạch áp thuế bổ sung từ 5 - 10% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá gần 160 tỷ USD của Mỹ, đồng thời vẫn giữ nguyên quyết định trước đó hoãn đánh thuế bổ sung đối với mặt hàng ô tô và các linh kiện sản xuất tại Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng cam kết mua bổ sung lượng hàng hóa tối thiểu trị giá 200 triệu USD từ các nhà sản xuất, nông dân, công ty năng lượng và nhà cung cấp dịch vụ Mỹ trong vòng 2 năm tới. Ngoài ra, Mỹ tăng gấp đôi lượng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc vào năm 2020 và gấp gần 3 lần vào năm 2021 nếu thỏa thuận này được thực hiện.
Cùng ngày, trả lời báo giới trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, người phát ngôn Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho rằng Trung Quốc và Mỹ cần tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại song phương cũng như hướng tới dỡ bỏ tất cả các mức thuế quan hiện hành.
Theo người phát ngôn này, hoạt động kinh tế của Trung Quốc trong tháng 11 vừa qua đã cho thấy những thay đổi tích cực, đồng thời khẳng định Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra cho cả năm.