Đại dịch COVID-19 phơi bày điểm yếu tồn tại hàng chục năm tại Tokyo

Hàng nghìn người Nhật Bản tại thủ đô Tokyo đã trở thành dân tị nạn thời COVID-19 vì lệnh phong tỏa kéo dài.

Chú thích ảnh
Khách hàng đeo khẩu trang bước vào quán cafe Internet lúc nửa đêm tại quận Shibuya, Tokyo. Ảnh: CNN

Tiền kiếm được khi làm công nhân tại các công trình xây dựng chỉ đủ cho anh Takahashi thuê một buồng nhỏ trong các quán café internet tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Tuy nhiên mới đây, do dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) lây lan, Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc. Điều này không chỉ khiến Takahashi mất việc mà còn mất luôn “nhà” vì các quán café tnternet đều đóng cửa.

Trong hai tuần kể từ khi chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa, người đàn ông 35 tuổi này ngủ vạ vật tại một bến xe buýt công cộng.

“Rất nhiều công ty phá sản vì đại dịch. Nhiều người như tôi đã mất việc”, Takahashi chia sẻ khi anh xếp hàng ở Shinjuki đợi nhận bữa ăn miễn phí từ tổ chức từ thiện Moyai.

Takahashi chỉ là một  trong 4.000 “người tị nạn café internet” xuất hiện trong mùa dịch. Phần lớn họ là đàn ông. Trước khi đại dịch càn quét, những người này thường phải trả từ 17 đến 28 USD cho một đêm nghỉ ngơi trong một buồng nhỏ có diện tích chưa đầy 2m2 tại các quán café internet mở 24/7. 

Theo số liệu chính thức của chính quyền Tokyo năm 2019, mặc dù nơi đây nổi tiếng là một thành phố phồn hoa, công nghệ cao, song đô thị này đang có 5.126 người vô gia cư. Trong số đó, 4.000 người sống tại các quán café internet, và trên 1.000 người thất nghiệp, phải sống dưới gầm cầu, trong các thùng bìa các tông hay dựng lều ở công viên. Các tổ chức từ thiện cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều.

“Mọi người bắt đầu sử dụng các quán café internet vì rẻ tiền hơn khách sạn. Dần dần, các quán café này trở thành nơi ở cho những người vô gia cư”, ông Tom Gill - nhà nhân chủng học tại Đại học Meiji Gakuin – cho biết.

Mở 24/7, những quán café này cho người thuê tắm rửa, giặt đồ, và quan trọng nhất là một buồng ngăn cách riêng với ghế ngả có thể được thuê theo giờ hoặc qua đêm. Giá cả thuê khác biệt tùy từng quán, dao động từ 17 đến 19 USD vào các ngày trong tuần, cuối tuần và các ngày lễ thì có thể lên tới 28 USD.

Mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn

Trong hàng chục năm qua, lực lượng lao động tạm thời và bán thời gian gia tăng chóng mặt ở Nhật Bản. Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, năm 2019, quốc gia này có 22 triệu người lao động bán thời gian, tăng 5 triệu người so với năm 2011.

Một số người không có công việc cố định và chỉ được trả mức lương tối thiểu – 9 USD/giờ. Những người lao động như vậy rất khó thuê nhà. Tại Nhật Bản, người thuê phải trả cho chủ nhà tiền đặt cọc, tiền chìa khóa và đóng tiền 3 tháng một lần.

Trong số 15.000 người thường xuyên ngủ qua đêm tại các quán café internet ở Tokyo, nhiều người là những doanh nhân Nhật Bản uống rượu say và lỡ chuyến tàu cuối cùng về nhà. Phần còn lại là những người như Takahashi. 

Takahashi chia sẻ anh không ngại nếu như quán café đông đúc. Anh có thể thuê buồng riêng và ngủ một mình trong đó. Anh gói tất cả đồ đạc trong ba lô để có thể di chuyển dễ dàng từ quán café này sang quán café khác. Tuy nhiên, tất cả thay đổi khi đại dịch ập đến.

Chú thích ảnh
Một người đàn ông chơi game trong buồng riêng tại một quán cafe Internet mở 24/7. Ảnh: CNN

Một dạng vô gia cư

“Những người sống trong các quán café internet xuất hiện từ những năm 1990. Tuy nhiên, họ thường không nghĩ về vấn đề này khi nền kinh tế ổn định, do họ không ngủ trên đường phố”, chuyên gia Gill phân tích. Đại dịch COVID-19 đã phơi bày một sự thật tàn nhẫn mà nền kinh tế Nhật Bản che giấu suốt hàng chục năm nay.

Để phần nào giải quyết nhóm người vô gia cư như Takahashi, giới chức Nhật Bản đã cung cấp chỗ ở tạm thời. Ngày 30/4, ông Hatanaka Kazuo - người phát ngôn của chính quyền Tokyo - cho biết địa phương sẽ cấp cho người sống trong các quán café internet một phòng khách sạn đến hết 6/5. Ông cho biết phương án hỗ trợ này có thể được gia hạn.

Để đủ điều kiện nhận trợ cấp, những người như Takahashi cần xuất trình thẻ thành viên quán café internet hoặc mang theo biên lai để chứng minh rằng họ từng sống tại đó. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ điều kiện như vậy.

Takahashi tâm sự anh không đủ điều kiện để chính quyền cấp cho một phòng ở vì địa chỉ nhà anh ở Hiroshima và anh không có giấy tờ cần thiết để nộp lên chính quyền.

Không rõ bao giờ đại dịch mới chấm dứt, Takahashi hy vọng anh sẽ có thể tìm được việc mới để kiếm đủ tiền di chuyển từ Shinjuku đến Hiroshima - nơi anh có thể ở cùng bạn bè.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Nhật Bản gia hạn tình trạng khẩn cấp tới ngày 31/5
Nhật Bản gia hạn tình trạng khẩn cấp tới ngày 31/5

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 4/5, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc nhằm phòng tránh sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tới ngày 31/5, trong bối cảnh có những quan ngại về khả năng hệ thống y tế nước này sẽ quá tải nếu số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN